Ngày 27/4, tại TPHCM, Công ty TNHH MEGA GS COMMUNICATION đã chính thức giới thiệu “Thương con cá rô đồng” – Một bộ phim của Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường với sự góp mặt của nhiều gương mặt được yêu thích phía Nam trước báo giới. Và “Thương con cá rô đồng” sẽ tiếp tục nối sóng bộ phim Ngày em đến, bắt đầu từ ngày 2/5 trên kênh Truyền hình Việt Nam VTV3.
Với đề tài hấp dẫn, câu chuyện phim dày dặn với nhiều xung đột xảy ra xung quanh gia đình Thương, phim “Thương con cá rô đồng” hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
Trong cuộc sống, hình ảnh người chị cả trong gia đình vì nghịch cảnh mà phải thay thế chức phận của người mẹ thậm chí là cả cha để lo lắng cho đàn em thơ dại đã trở thành một hình ảnh lay động lòng người. Nó vốn không phải hình tượng mới ở phim truyền hình, nhưng cũng chưa bao giờ cũ.
Hình ảnh người chị có thể ví như con cá rô đồng với sức sống cực kì mãnh liệt trước những khắc nghiệt cuộc đời. “Thương con cá rô đồng” chính là bộ phim nói về một con người như thế.
Khi chị là mẹ, là cha…
Phim xoay quanh gia đình 5 chị em: Thương -Nhớ – Thiệt – Lắm- Lành. Cha mất sớm, không thân thích ruột rà nhà chỉ có mấy mẹ con sống lay lắt bằng đủ thứ công việc cày thuê, cuốc mướn ở vùng Đồng Tháp Mười Long An. Nhà nghèo lại đông em, thương mẹ cực khổ, tảo tần Thương phải cáng đáng nhiều công việc phụ mẹ làm lụng lo cho các em có điều kiện đến trường. Trước đó, trong một lần dẫn Thiệt đi chợ huyện, cô để lạc mất em.
Khi Thương 10 tuổi, mẹ qua đời sau thời gian dài lao lực vì cực khổ. Nhớ vì cú sốc đó mà cũng bị câm dù Thương hết lòng chạy chữa, thuốc thang. Cũng không ít lần cô bị lừa tiền bạc nhưng vẫn luôn mong đứa em có thể nói trở lại. Không thể dứt ra được nỗi ám ảnh cũ, dần dà Nhớ cố gắng bằng mọi cách khuyên Thương đừng lo lắng cho cô, gắng sức học nói nhưng đành bất lực và luôn tự trách mình.
Tuy tuổi còn nhỏ, Thương đã phải thay thế cả cha lẫn mẹ gánh nặng trên vai trách nhiệm chăm lo cho 3 em và cố gắng tìm kiếm lại đứa em trai thất lạc đã lâu theo lời trăng trối của mẹ trước khi bà qua đời. Sự kỳ vọng của Thương đặt hết vào Lắm và Lành. Cô làm mọi thứ để 2 em được ăn học tử tế.
Công việc làm thuê, làm mướn nay có mai không cũng chẳng được là bao khiến cuộc sống của 4 chị em Thương luôn rơi vào cảnh túng thiếu.
Lắm- là con trai duy nhất trong nhà và rất thương chị nhiều lần muốn nghỉ học để phụ giúp chị kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng Thương kiên quyết không cho vì muốn tương lai của em được sung sướng hơn mình. Lắm không dám cãi lời. Ngược lại cô em gái Út Lành lâu lâu lại khiến Thương phải tủi thân, buồn lòng vì những đòi hỏi vật chất trẻ con vô tâm.
Cạnh nhà Thương có Bảy Chơn- một thanh niên hiền lành chất phác sống bằng nghề lấy mật ong rừng. Chơn mồ côi mẹ và phải nuôi cha già là ông Ba Rạng, nay đau mai yếu lại bị bấn loạn tâm thần do đứa con gái bị mất tích cách đó không lâu. Thương nghèo, Nhớ cũng chẳng khá hơn là bao khi gia sản chỉ có một căn chòi nhỏ. Chơn yêu Thương bằng tình yêu chân thành nhưng cũng không thể giúp được gì cho cô.
Cuộc sống của chị em Thương càng lúc càng khó khăn khi những biến cố liên tiếp kéo đến thông qua những con người độc ác gian manh như ông Lưu, bà Tiền… Xuyên suốt câu chuyện, Thương nhất mực chịu đựng và luôn tìm cách để hi sinh che chở cho các em, thậm chí có những lúc tưởng như phải đánh đổi cả sinh mạng của mình để các em có được cuộc sống hạnh phúc.
Những vai diễn lấy nước mắt khán giả
Sở hữu một kịch bản về tổng thể không quá mới lạ nhưng Thương con cá rô đồng hứa hẹn lấy nước mắt khán giả bởi rất nhiều tình tiết cảm động; Trong đó, không thể không nhắc đến phần diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên.
Đảm nhận vai chính Thương là nữ diễn viên Lê Phương. Mộc mạc, tính cách hiền lành, hi sinh, chịu đựng, nhưng có nghị lực mạnh mẽ và không màng đến hạnh phúc riêng, vai Thương dường như được sinh ra để dành cho Lê Phương.
Vắng bóng một thời gian trên màn ảnh nhỏ, lần trở lại này Lê Phương vẫn hứa hẹn lấy nước mắt khán giả bởi phần hóa thân rất tự nhiên. Đặc biệt, cô chịu khó lăn xả trong các cảnh quay khó đòi hỏi sự hy sinh của người diễn viên. Lê Phương đặc biệt nhập tâm trong những cảnh quay đòi hỏi diễn xuất tâm lý phải giàu nội lực nhưng vẫn toát lên sự mộc mạc, gần gũi. Đây cũng là vai diễn lấy đi của cô không ít nước mắt và chắc chắn khán giả sẽ thổn thức, sẽ khóc cùng Thương bởi số phận quá nghiệt ngã.
4 người em của Thương trong phim cũng là những diễn viên trẻ đầy tiềm năng. Nhớ do Như Đan đảm nhận. Là gương mặt mới của làng phim truyền hình, vai Nhớ là thử thách không nhỏ dành cho Như Đan. Cô em câm luôn tự trách mình là gánh nặng cho chị, âm thầm và lặng lẽ, chấp nhận chôn giấu cả mối tình riêng. Đặt Như Đan vào một vai diễn đòi hỏi phải diễn xuất bằng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ là thử thách không nhỏ nhưng cũng là cơ hội để cô bộc lộ năng khiếu diễn xuất của mình.
Thiệt- người em trai thất lạc của Thương được trao cho Quốc Huy. Vốn gây ấn tượng mạnh từ: Tiếng sét trong mưa, Vua bánh mì phiên bản Việt… Thiệt không phải là vai diễn có thể làm khó Quốc Huy và người hâm mộ lại chờ đợi lần lột xác tiếp theo của nam diễn viên điển trai này.
Chọn Quang Thái vào vai Lắm là quyết định sáng suốt của ê-kip. Ngoài ngoại hình sáng, toát lên vẻ chân chất, Quang Thái còn có khả năng diễn xuất bằng ánh mắt rất tốt. Lắm trong phim hiền lành nhưng có phần bốc đồng, nóng nảy, chưa biết nhìn xa trông rộng là cơ hội để Quang Thái thể hiện hết kỹ năng diễn xuất vốn đã được yêu thích qua nhiều dự án trước đây.
Vai cô em Út Lành ích kỉ, vô tâm, ham vui, đua đòi, thích những thứ bề nổi được trao cho Hoàng Yến- Một vai diễn không chỉ là sự phô bày ở vẻ bề ngoài này đòi hỏi diễn xuất phải rất ngọt để khán giả tin đó là nhân vật thật. Thử thách cho Hoàng Yến nhưng cũng là cơ hội bởi nữ diễn viên trẻ có lợi thế về ngoại hình và nhiều đất diễn để thể hiện khả năng của bản thân.
Nhân vật xuyên suốt trong phim còn có Chơn – do Thanh Thức thủ vai. Tiếp tục là vai diễn người đàn ông hiền lành, chất phác vừa là lợi thế nhưng đồng thời cũng là bất lợi với Thanh Thức. Làm sao để thể hiện mình khác đi, cho khán giả tin đây là Chơn chứ không phải hình bóng các nhân vật tương tự trong quá khứ đặt Thanh Thức phải tự biến hóa chính mình nhiều hơn. Khả năng diễn xuất cùng kinh nghiệm dày dặn khiến vai Chơn không thể làm khó được Thanh Thức.
Chia sẻ tại buổi ra mắt phim, diễn viên Lê Phương cho biết: Sau khi sinh con 2 năm tôi mới trở lại với công việc. Ban đầu tôi cũng muốn có một vai sang chảnh, cá tính chứ trước đây tôi thường đóng vai nghèo khó. Khi anh Cường gọi điện kể về câu chuyện, tôi sẵn sàng nhận lời ngay lúc đó. Sau khi nhận kịch bản đường dây tôi liên tục gọi điện để trao đổi với anh Cường. Tôi cũng nói với đạo diễn, dù đây là dạng vai đào thương nhưng đừng cho tôi khóc quá nhiều, cho tôi mạnh mẽ chút xíu, cho tôi phản ứng hết cỡ nếu có chuyện gì xảy ra sau đó có thể bẻ lái nhân vật theo hướng nào cũng được. Tôi cũng tâm niệm, trở lại với bộ phim lần này đúng là Lê Phương rồi nhưng đó không phải là những hình ảnh cũ mà phải cá tính, mạnh mẽ hơn.
Ngoài vai trò diễn viên, lần trở lại này, Lê Phương còn thử sức hát nhạc phim. “Tôi ban đầu lo ngại không dám nhận lời. Tôi luôn mong ước được thể hiện nhạc phim nhưng khi có cơ hội thì lại lo và chẳng dám nhận lời. Nhưng chồng tôi động viên nhiều, tôi cuối cùng đồng ý. Chồng tôi tích cực luyện thanh cho tôi, hỗ trợ để tôi hoàn thành ca khúc” – Lê Phương tâm sự.
Vào vai bàTư Diệu, dì của chị em Thương – Một người phụ nữ cay nghiệt, độc đoán với các cháu của mình, NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ: Khoảng 5 năm gần đây mọi người quen hình ảnh Thúy là các vai bà mẹ hiền lành, cam chịu, chịu thương, chịu khó, nên khi vào vai này tôi rất hào hứng vì đây là vai tôi được đóng ác, được đánh, chửi. Vai bà Tư không thuộc tuýp hy sinh, cam chịu mà sự ràng buộc với những đứa nhỏ giống như gánh nặng. Cho nên bà trút đòn roi lên những đứa nhỏ. Phải đánh các diễn viên nhí nên sau mỗi cảnh quay tôi thường hỏi các con có đau không, rồi xin lỗi. Tôi nhận ra, chính các con và ba mẹ của mình đều rất chỉn chu và hy sinh cho vai diễn. Nhiều khi các con phải dầm mưa, nuôi tâm lý… để khóc.
Và tôi nhận thấy các bé đã rất hy sinh cho vai diễn này. Sự hy sinh đó sẽ góp phần cho thành công của bộ phim.
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chia sẻ: Điều thú vị nhất trong kịch bản phim lần này là sự liên kết của các nhân vật rõ ràng hơn. Đó là tình anh chị em. Sự hy sinh cũng có, sự quay trở lại cũng có. Mỗi nhân vật đều có màu riêng rõ ràng. Thậm chí những vai khác đều có đất diễn tốt. Đó là kịch bản hay khi các nhân vật đều có đất diễn. Tôi hy vọng nó đủ hấp dẫn khán giả truyền hình.
Đảm nhận vai Thiệt- người em trai thất lạc của Thương- một vai diễn nhiều khác biệt so với dự án gần nhất là Vua bánh mì, diễn viên Quốc Huy bộc bạch: Vai diễn đòi hỏi diễn nội tâm, ít nói và có nhiều cảnh hành động nhiều, khó. Đây cũng là dạng vai tôi rất thích vì vai giang hồ không cần chuẩn bị quá nhiều quần áo và quan trọng thoại rất ít, phải diễn nội tâm nhiều. Thích nhất những cảnh đánh nhau hầu như ít phải học thoại và chủ yếu là dùng sức nhiều hơn. Đây cũng là bộ phim mà các cảnh hành động tôi đều tự làm hết với sự chỉ đạo của anh Hoàng Tuấn Cường. Tôi cũng được đạo diễn chỉ đạo nhiều thế đánh thú vị. Riêng về phần nội tâm của nhân vật này cũng có nhiều khác biệt. Tôi phải thể hiện sự yêu thương, ánh mắt khác biệt của nhân vật này dành cho những người chị em của mình. Khi xem khán giả sẽ hiểu tại sao nhân vật này luôn có ánh mắt khắc khoải trong phim.
Diễn viên Quang Thái bày tỏ: Một điểm tôi thích nhất phim này là thu tiếng trực tiếp. Mọi cảm xúc diễn viên nói ra đều khớp với nhân vật mà không cần phải lồng tiếng lại. Thứ hai, tính đời. Thứ ba sự gần gũi, mà ai cũng nhận thấy là yếu tố gia đình. Tôi tin không đâu bằng gia đình dù mọi sai lầm, lầm lỡ, mọi thứ diễn ra cuối cùng tình yêu gia đình vẫn là trên hết.
Huỳnh Như Đan– Cô diễn viên trẻ lần đầu đóng truyền hình được Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường khen ngợi rất chịu khó, chịu học xúc động: Vai Nhớ khác biệt với em ngoài đời. Khi vào vai Nhớ, em luôn thu mình lại và mọi cảm xúc chỉ thể hiện qua ánh mắt. Có một kỷ niệm, ban đầu khi chưa nhập vai được, em đã dành trọn một ngày xem qua màn hình các cảnh chị Hạnh Thúy đánh các bạn nhỏ. Em thực sự bị ám ảnh trong đầu và mỗi lần khi vào phân cảnh tâm lý, các cảnh đó lập tức xuất hiện. Em nhớ khuôn mặt và những trận đòn roi của chị Thúy để nhập vai khi nhân vật của mình vào giai đoạn trưởng thành.
Diễn viên Thanh Thức thú nhận chưa có phim nào mà Anh cảm thấy áp lực như vậy, bởi vì chưa phim nào anh xúc động và phải khóc nhiều đến thế. Anh chia sẻ: Khi đọc kịch bản ở nhà phải đóng những cảnh có tâm lý tôi khá hồi hộp vì không biết anh Cường sẽ bắt mình phải thể hiện tâm lý như thế nào. Dường như mọi cảm xúc đều được gom trong một câu thoại. Thậm chí có cảnh bị hư mà tôi không dám quay lại vì tôi sợ, áp lực. Anh Cường luôn kĩ tính trong từng góc máy, câu thoại chứ không chỉ là trong mỗi phân đoạn.Tôi tin sau phim này phim nào có cảnh cảm xúc tâm lý sẽ có thể nhập vai ngay.
“Thương con cá rô đồng”- Bộ phim Tâm lý xã hội đương đại dài 40 tập của Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, Biên kịch Ngọc Bích- La Nguyễn Quốc Vinh, Giám đốc sản xuất Vũ Thị Bích Liên sẽ lên sóng lúc 14g, bắt đầu từ ngày 2/5 các ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần trên kênh Truyền hình Việt Nam VTV3.
Diễn viên:
Lê Phương vai Thương
Như Đan vai Nhớ
Quốc Huy vai Thiệt
Quang Thái vai Lắm
Hoàng Yến vai Út Lành
Thanh Thức vai Chơn
Đình Hiếu vai ông Lưu
Hoàng Trinh vai bà Tiền
Và một số diễn viên khác: NSƯT Hạnh Thúy, Thành Được, Hoàng Trinh, Đình Hiếu, Thanh Ngọc ….
Gia Huy (Theo TTV)