Hiện Việt Nam có 3 từ tiếng Việt: “ao dai” – trang phục; “pho” và “banh mi” – ẩm thực được từ điển tiếng Anh Oxford công nhận.
Oxford là một bộ từ điển tiếng Anh uy tín trên thế giới, hàng năm đều có bổ sung những từ ngữ phổ thông mà các quốc gia đang sử dụng.
Áo dài
Áo dài là một loại trang phục của người Việt, được cách tân từ áo tứ thân (lập lĩnh, tức cổ đứng) của Việt Nam trong thời kỳ Việt hóa, còn gọi là áo tân thời. Áo dài mặc với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ nhưng hiện nay thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là trang phục nữ.
Từ “Áo dài” (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế 2 tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.
Áo dài thường được mặc vào các dịp lễ hội, trình diễn; hoặc tại những môi trường đòi hỏi sự trang trọng, lịch sự; hoặc là đồng phục nữ sinh tại trường trung học phổ thông hay đại học; hay đại diện cho trang phục quốc gia trong các quan hệ quốc tế.
Các người đẹp Việt Nam hầu hết đều chọn áo dài cho phần thi trang phục dân tộc tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Bộ áo dài của nhà thiết kế Đức Hùng. Thiết kế với kiểu dáng truyền thống, họa tiết gấm trúc xanh kết hợp chiếc mấn gây ấn tượng với ban giám khảo quốc tế.
Thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh rồng chầu hướng về mặt trời trong kiến trúc người Việt, thể hiện khát vọng hướng về ánh sáng và những điều cao quý. Chiếc áo dài thêu hoa văn với sắc vàng mang đậm dấu ấn trang phục cung đình Huế. Phong thái trình diễn tự tin, giúp cô được xướng tên với giải Trang phục dân tộc đẹp nhất và vào top 8 chung cuộc.
Người đẹp diện áo dài Con rồng cháu tiên do nhà thiết kế Đinh Văn Thơ thực hiện, mang thông điệp đề cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tôn vinh nguồn gốc cao quý của dân tộc Việt.
Phở
Vào tháng 9/2007, phở – món ăn nổi tiếng của người Việt chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford, xuất bản ngày 20-9 tại Anh và Mỹ. Sự kiện này đã chính thức đưa “phở” trở thành một danh từ riêng trong cuốn từ điển tiếng Anh uy tín trên thế giới.
Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, được cho là có nguồn gốc từ Nam Định, cũng có thể xem là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt Nam.
Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng, nhưng đôi khi cũng có những biến thể khác như phở hải sản, phở trộn, phở xào,…. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt…Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng.
Phở được ăn kèm cả đĩa rau thơm như hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó ngò gai là loại lá đặc trưng của phở.
Bánh mì
Bánh mì là một loại thức ăn đường phố của Việt Nam bao gồm vỏ là một ổ bánh mì nướng có da giòn, ruột mềm; bên trong là phần nhân.
Năm 2011, món ăn đặc biệt này của Việt Nam vinh hạnh được thêm vào từ điển Oxford, xác nhận là một danh từ riêng: “Bánh mì”- (banh mi /ˈbɑːn miː/) với miêu tả là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, pate và rau củ như cà rốt, dưa chuột, rau mùi… và kèm gia vị như ớt, hạt tiêu.
Đây được xem như một trong những cột mốc quan trọng nhất trong hành trình bánh mì Việt Nam chinh phục thế giới. Không còn là một loại bánh vay mượn nữa, bánh mì đã khẳng định chủ quyền rằng mình chính xác là một món ăn đến từ Việt Nam.
Bánh mì được xem là một loại thức ăn nhanh và bình dân dành cho buổi sáng, hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vì có giá thành phù hợp nên được giới học sinh, sinh viên và người lao động rất ưa chuộng. Vào tháng 3 năm 2012, chuyên trang du lịch của The Guardian – một tờ báo nổi tiếng của Vương quốc Anh, đã bình chọn bánh mì Sài Gòn thuộc top 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới.