Về trang chủ Văn hóa Du lịch Biểu tượng du lịch độc đáo ở Việt Nam

Biểu tượng du lịch độc đáo ở Việt Nam

Khi nhắc đến Việt Nam, đặc biệt là các công trình biểu tượng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thì phần đông sẽ nghĩ ngay đến Nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện thành phố ở quận 1, TP.HCM; Hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô Hà Nội. Nhưng ngoài những công trình nổi bật, có lịch sử xây dựng lâu năm thì ở từng địa phương cũng có những công trình nổi bật gắn với đặc trưng văn hóa ở đó thu hút khách tham quan.
Trầm Hương – thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa)

Tháp Trầm Hương là công trình độc đáo, được coi là biểu tượng chính thức của thành phố biển Nha Trang. Ngọn tháp 3 tầng là nơi giới thiệu hình ảnh góp phần quảng bá Nha Trang đến du khách trong và ngoài nước.

Tháp Trầm Hương được khánh thành vào ngày 2.12.2008 tại Quảng trường 2.4, nằm trên đường Trần Phú, Lộc Thọ, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Tháp được hình thành bởi 3 tầng cấu trúc độc đáo: tầng 1 được bố cục như một công viên với sân và hồ phun, vườn hoa, các cụm tượng trang trí và hệ thống 5 cụm điêu khắc cách điệu hình sóng biển; tầng 2 là phần tháp thể hiện bằng kiến trúc vừa giàu tính điêu khắc, vừa đa nghĩa với hình ảnh cánh buồm, cánh hoa; tầng 3 là ngọn của tháp mang ý nghĩa biểu tượng với hình ảnh lõi trầm hương được cách điệu hóa, nơi đây mang ý nghĩa của một lồng xông hương trầm đồng thời đóng vai trò của một ngọn hải đăng đang ngày đêm soi sáng, dẫn đường cho tàu thuyền trên biển Nha Trang. Ngoài ra trên đỉnh thấp quả cầu thủy tinh tượng trưng cho viên ngọc tỏa sáng, là hình ảnh nói lên sự kết tinh cao độ những thành quả của nền kinh tế văn hóa xã hội.

Tất cả các tầng đều được lắp kính màu trong suốt, giúp du khách có thể chiêm ngưỡng thành phố Nha Trang từ mọi góc độ.

Bên trong tháp Trầm Hương có 6 tầng gắn kết với nhau tạo nên vẻ đẹp hài hòa. Ngoài Tầng hầm là phòng kỹ thuật, thang máy, điện, nước, nhà vệ sinh… phục vụ du khách di chuyển và đảm bảo hoạt động ổn định tại tháp, tầng trệt thì 4 tầng còn lại là khu trưng bày ảnh nghệ thuật là địa phương, con người Khánh Hòa, các tiêu bản sinh vật biển quý hiếm, tổ yến, mô hình khai thác tổ yến các chế phẩm từ yến sào. Đặc biệt tháp Trầm Hương cũng là nơi trưng bày trầm hương kỳ nam cùng nhiều chế phẩm và dụng cụ đốt hương thưởng thức hương trầm…

Đêm đến, lõi trầm hương này có chức năng như ngọn hải đăng sáng rực cả bầu trời Nha Trang.

Tầng trên cùng của tháp được thiết kế giống như một lõi trầm hương vừa nhọn vừa sắc nét. Đây là lối kiến trúc rỗng trong có đường kính 4,5m và cao 9m.

Quảng trường Lâm Viên

Nằm trên đường Trần Quốc Toản ngay phường 1, thành phố Đà Lạt là một trong những công trình đặc biệt của thành phố Đà Lạt. Quảng trường gây ấn tượng mạnh với nhiều không gian vui chơi rộng rãi, thoáng mát hướng ra hồ Xuân Hương thơ mộng. Nổi bật nhất giữa không gian xanh của quảng trường Lâm Viên là 2 công trình bằng kính được xem là tuyệt tác kiến trúc hiện nay, đó là công trình Bông Hoa Dã Quỳ và Nụ Hoa Atiso.

Khối Bông Hoa Dã Quỳ

Trong lễ hội hoa tháng 12/2005, hoa Dã quỳ đã được tôn vinh, trở thành biểu tượng chính cho mùa lễ hội Đà Lạt. Từ đây hoa dã quỳ đã trở thành loài hoa biểu trưng của thành phố ngàn hoa.

Công trình được thiết kế bằng kính vô cùng đẹp mắt với chiều cao 18m cùng diện tích sàn lên đến 1.200 m2. Không gian bên trong bông hoa được thiết kế như một sân khấu có sức chứa 1.500 người.

Kiến trúc của Dalat Opera House được thiết kế hiện đại với tổng diện tích 2.080m2, chia làm 3 tầng. 

Hiện tại, phần ruột công trình Hoa dã quỳ được thay đổi lại để trở thành một nhà hát Opera có sức chứa đến 825 ghế, trong đó có hàng ghế sang trọng dành cho khách mời đặc biệt. Khu vực sân khấu cao 15m, dài 17m, rộng 8m. Toàn bộ nhà hát được ốp trang âm gỗ acoustic, với hệ thống trình diễn âm thanh ánh sáng hiện đại, đạt tiêu chuẩn trình diễn các chương trình ca vũ, nhạc kịch, nhạc cổ điển quốc tế.

Nụ hoa Atiso

Công trình được xây dựng mô phỏng nụ hoa Atiso – đặc sản đặc trưng vùng núi của Đà Lạt.

Công trình cao 15m và bên trong là một quán cà phê rộng hơn 500 m2 có thiết kế khá mới lạ. Phía bên ngoài bao quanh là tấm kính màu xanh và vàng chạy hình xoắn ốc từ dưới lên rất ấn tượng.

Khối Hoa Dã Quỳ và khối Nụ Hoa Atiso là nơi có góc nhìn rất đẹp được nhiều du khách chọn làm nền cho những bức ảnh về thành phố Đà Lạt. Đây cũng là nơi thường xuyên được thành phố Đà Lạt chọn làm địa điểm tổ chức các lễ hội và Festival hoa Đà Lạt.

Cầu đi bộ bến Ninh Kiều – Cần Thơ
Cầu đi bộ đầu tiên ở miền Tây

Cầu đi bộ Cần Thơ được thiết kế hiện đại có hình chữ S uốn cong mềm mại tượng trưng cho đất nước Việt Nam, với chiều dài khoảng 200m, chiều rộng 7,2m.

Cầu đi bộ khánh thành vào 2.2016 nối liền bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế. Từ trên cầu đi bộ này, người dân còn được ngắm nhìn cảnh quan sông nước hữu tình và cây cầu Cần Thơ nối đôi bờ sông Hậu.

Nhà hát Cao Văn Lầu

Bạc Liêu được biết đến như cái nôi của loại hình đờn ca tài tử – cải lương, từ xưa đến nay người dân nơi đây gắn liền cuộc sống buồn vui với ca cổ. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ đã dần lãng quên đi loại hình truyền thống đó. Sự ra đời của nhà hát Cao Văn Lầu không chỉ bày tỏ lòng biết ơn với ông mà đây còn tựa như một lời nhắc nhở các thế hệ mai sau giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu mà cha ông đã để lại.

Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262m2 được chia làm ba khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất 24,25m, đường kính nón lớn nhất 45,15m, mái được làm bằng tấm composite màu chiếc nón lá…

Hình ảnh 3 chiếc nón lá thể hiện nhiều ý nghĩa: Nón lá gắn liền với người dân Việt Nam cũng như người dân Nam Bộ, 3 chiếc nón chụm đầu vào nhau minh chứng cho tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa ở Bạc Liêu. Đồng thời còn có ý nghĩa là sự gắn bó của 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Cây đờn kìm

Biểu tượng này thể hiện nét văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu trong dòng chảy nghìn năm văn hiến của dân tộc. Hoa sen bung nở tượng trưng cho sự phát triển không ngừng của nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng và văn hóa của Bạc Liêu nói chung.

Cây đờn kìm này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cây đờn kìm lớn nhất Việt Nam với tổng chiều cao 18,6m, được dựng trên 5 cánh sen trong hồ nước hình ngôi sao 5 cánh.

 

Hồng Thắm T/H (Theo TTV24)

 

 

 

 

Có thể bạn quan tâm