Về trang chủ Công nghệ Trưởng VPĐD VACOD Lê Thuý Nga: Quyết tâm chuyển đổi số để tạo ra giá trị thực cho Doanh nghiệp

Trưởng VPĐD VACOD Lê Thuý Nga: Quyết tâm chuyển đổi số để tạo ra giá trị thực cho Doanh nghiệp

Ngày 27/11, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Chuyển đổi số” từ vượt trội đến dẫn đầu trong kỷ nguyên “bình thường mới”.  Tại buổi hội thảo này, Trưởng Văn phòng Đại diện VACOD – Bà Lê Thúy Nga đưa ra một khái niệm mới ấn tượng, đó là “Chuyển đổi Sếp trước khi chuyển đổi số”. 

Sự kiện do Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tổ chức, với sự góp mặt của hơn 11 diễn giả lớn, là những chuyên gia kinh tế, chuyên gia phân tích thị trường, chủ doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số thành công và chuyên gia về Thương mại điện tử, cùng với sự hiện diện của hơn 200 đại biểu là các Chủ doanh nghiệp, lãnh đạo và quản lý cấp cao các Doanh nghiệp về hàng tiêu dùng và đông đảo các cơ quan truyền thông, thông tấn báo đài.

“Chuyển đổi số” mang tính thời sự

Từ giữa năm 2020, đặc biệt là trong và sau giai đoạn đại dịch COVID-19, “Chuyển đổi số” đã trở thành cụm từ không chỉ mang tính thời sự, mà còn là sự vận động mang tính sống còn của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có, góp phần vào sự tồn tại và phát triển bền vững của các Doanh nghiệp.

Trưởng Văn phòng Đại diện VACOD – Bà Lê Thúy Nga tại buổi hội thảo 

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Tuy nhiên, Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu cho đúng và đặc biệt là phù hợp với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn đang là nỗi trăn trở – không chỉ đối với các chủ doanh nghiệp, mà còn cả các chuyên gia công nghệ – những người nắm vững những nền tảng số tiên tiến nhất.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số” từ vượt trội đến dẫn đầu trong kỷ nguyên “bình thường mới” do Văn phòng đại diện Hiệp hội hàng Tiêu dùng Việt Nam tại TP.HCM tổ chức, các chuyên gia kinh tế, công nghệ và lãnh đạo doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, cùng chia sẻ những xu hướng kinh doanh, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng tiêu dùng để trở nên vượt trội và dẫn đầu trong giai đoạn mới.

Chia sẻ đầu Hội thảo, bà Lê Thúy Nga- Trưởng Văn phòng Đại diện VACOD chia sẻ tâm huyết của mình, quyết tâm đưa Chuyển đổi số trở thành hoạt động thiết thực đến từng Doanh nghiệp hàng tiêu dùng thuộc Hiệp hội. Đây cũng là cam kết của bà Nga tại thời điểm nhậm chức Trưởng Văn phòng Đại diện VACOD vào tháng 9/2020. Trong nhiệm kỳ này, bà Lê Thúy Nga cùng Văn phòng đại diện VACOD tại TP.HCM sẽ thực hiện chuỗi những hoạt động cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra giá trị thật, đổi mới và hiệu quả hơn trong kinh doanh.

Mở đầu hội thảo, Giáo sư Hà Tôn Vinh- Chủ tịch Học viện Stellar Management – phân tích sự thay đổi của tâm lý người dùng công nghệ trong thời cách mạng 4.0: “Ngày xưa, cái gì chúng ta cũng phải đến tận nơi. Nay thì chỉ cần ngồi một chỗ, truy cập internet, có thể mua bán, quản lý con cái, nhà cửa, tài sản… xuyên quốc gia. Chẳng hạn, tôi có nhà ở nước ngoài, tôi về Việt Nam nhưng vẫn có thể nhìn thấy nhà mình đang như thế nào, có sạch sẽ không, cỏ đã cao quá quy định chưa… Nếu cần sử dụng các dịch vụ của các công ty chăm sóc, dọn dẹp, thì chỉ cần chuyển khoản trả phí dịch vụ là xong”.

Hiện tại, ở Việt Nam vẫn đang còn dùng nhiều các app để mua hàng, quản lý tiêu dùng, tích luỹ điểm… Trong tương lai, ngay cả các app cũng sẽ dần biến mất, vì công nghệ nhận dạng qua vân tay và mắt của người dùng cho phép chính xác, bảo mật tuyệt đối. Bạn sẽ không còn lo cảnh bị cướp ở ngoài đường vì trên người không cần mang theo tiền mặt mà vẫn tiêu dùng được mọi thứ mình muốn” – Giáo sư Hà Tôn Vinh phân tích.

Phần tọa đàm tương tác về chủ đề những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá sau “bình thường mới” do Tiến sĩ Trần Du Lịch- Thành viên tổ tư vấn Kinh tế Chính phủ điều phối cùng các diễn giả: Giáo sư Hà Tôn Vinh- Cựu trợ lý Nhà Trắng, Chủ tịch học viện Stellar Management; ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử, ông Vũ Tú Thành, Phó chủ tịch Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ- ASEAN (USABC); ông Nguyễn Huy Hoàng- Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM cho rằng: Thương mại điện tử là động thái cần phải làm của Doanh nghiệp, nếu không, chắc chắn sẽ bị thụt lùi hoặc không còn tồn tại. Tuy nhiên, cần có hướng đi hợp lý và khôn ngoan để đón đầu những xu hướng mới, chứ không chỉ đơn thuần thực hiện theo những mô thức cũ.

Nên “Chuyển đổi Sếp” trước khi “Chuyển đổi số”

Trong phần trình bày thứ hai của buổi Hội thảo, các chủ đề liên quan đến các nền tảng truyền thông số và câu chuyện chuyển đổi số thực tế được miêu tả sinh động qua câu chuyện “Chuyển đổi số” trong truyền thông: Giai thoại và sự thật của bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh- Group COO Yeah1, COO GIGA1 và Câu chuyện 14 năm đầu tư vào chuyển đổi số của ông Phan Minh Thông – Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh.

Phần tọa đàm tương tác cuối buổi hội thảo với chủ đề: “Chuyển đổi số đúng cách để để đón đầu” cũng hết sức “nóng” với các doanh nghiệp. Điều phối toạ đàm này do ông Lê Hải Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM), cùng sự tham gia của các diễn giả: Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh, ông Phạm Lê Minh – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Điện Quang, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh – Group COO Tập đoàn Yeah1, CEO Giga1, bà Lê Thúy Nga- Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tại TP.HCM và bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc Điều hành Navigos Search.

Tại phiên tọa đàm này, Trưởng Văn phòng Đại diện VACOD – Bà Lê Thúy Nga đưa ra một khái niệm mới ấn tượng, đó là “Chuyển đổi Sếp trước khi chuyển đổi số”. Bà Nga cho rằng, Sếp – hay nói cách khác là Chủ doanh nghiệp và đội ngũ quản lý, lãnh đạo cần tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số. Nếu Doanh nghiệp chuẩn bị một chiến lược chưa kỹ càng, tâm lý và tinh thần dấn thân chấp nhận những sai sót trong quá trình chuyển đổi của chính đội ngũ lãnh đạo và Chủ doanh nghiệp chưa sẵn sàng, thì doanh nghiệp chưa nên bắt đầu. Một khi đã nhất quán một tinh thần chung là cùng nhau thực hiện chuyển đổi, chính Chủ doanh nghiệp và các cấp lãnh đạo phải cùng dấn thân, trải nghiệm và tạo ra môi trường phản biện liên tục trong nội bộ.

Chính từ điểm đó, đại đa số nhân viên sẽ thấy được sự nghiêm túc, quyết liệt và hình ảnh văn hóa doanh nghiệp mới – bởi chính những người lãnh đạo sẽ là tấm gương phản chiếu tốt nhất để nhân viên học hỏi và hoàn thiện theo. Và với tinh thần đó, tôi tin rằng sự lan tỏa hoàn toàn sẽ diễn ra một cách rất triệt để và đầy khí thế, thúc đẩy không chỉ công tác chuyển đổi số, mà còn là tinh thần làm việc chung đầy sinh khí, tạo ra nơi làm việc mà nhân viên toàn tâm tận hiến để luôn gắn bó với công ty”  Bà Lê Thúy Nga nhấn mạnh.

 

Lê Anh (Theo TTV24)

Có thể bạn quan tâm