Dưới tác động của thời gian và ngoại cảnh đặc biệt là tình hình thiên tai khắc nghiệt và dữ dội như lũ lụt, mưa bão đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các di tích, kiến trúc cổ ở thành phố Hội An (Quảng Nam).
Chỉ trong 2 tháng 9 và 10, phố cổ Hội An đã phải trải qua 6 trận lụt bão làm nhiều di tích, công trình kiến trúc cổ bị ngập sâu trong thời gian dài cộng với tình trạng xuống cấp do tác động của thời gian trước đó đã làm cho tình trạng của các di tích ngày càng trầm trọng, cần được bảo vệ và tu sửa khẩn cấp.
Thành phố Hội An (Quảng Nam) hiện có hơn 1.400 di tích, riêng trong khu phố cổ Hội An có hơn 1.100 di tích, nhà cổ. Trong đó, có 61 di tích có dấu hiệu xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người sử dụng. Trong đó có 20 di tích xuống cấp nhẹ, 27 di tích xuống cấp nặng, 14 di tích xuống cấp nghiêm trọng.
Chùa Cầu được xem là biểu tượng của Di sản Văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An. Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, làm bằng gỗ trên những trụ cầu bằng gạch đá, dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú. Đến nay, dù đã qua 7 lần trùng tu, sửa chữa nhưng công trình kiến trúc độc đáo này đang xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi lần mưa lũ, dòng nước chảy mạnh tác động vào mố, trụ cầu. Hiện, các mấu nối bị hở, nứt, một số dầm cầu bị mục, các dầm bằng thép đã hoen rỉ, đứt gãy. Nhiều cột, kèo của ngôi Chùa bị hư hỏng, mục rỗng. Trước đó, để giảm bớt áp lực cho công trình, chính quyền thành phố chỉ cho phép 20 người tham quan/lượt.
Bên cạnh biểu tượng kiến trúc Chợ Cầu, thành phố Hội An (Quảng Nam) còn có hàng trăm ngôi nhà cổ, di tích dọc các tuyến đường ở 2 bên sông Hoài, các trục đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học bị ngập lụt sâu từ 0,5 đến 1,5 mét và ngâm trong nước lũ dài ngày. Một số di tích bị xuống cấp đã được chống đỡ, nay không còn khả năng chống chịu, cấu kiện gỗ xuống cấp nghiêm trọng.
Có khoảng 84% di tích thuộc sở hữu của tư nhân, chủ yếu là nhà ở hoặc nhà thờ họ. Hầu hết, các di tích không còn khả năng tu sửa đều không có người sinh sống. Còn những di tích còn lại thì được chủ hộ tu sửa bằng cách lợp lại ngói, căng bạc dưới mái để chống dột hay lắp thêm cột, kèo,…Đối với những di tích xuống cấp mà hiện nay được các hộ dân quản lý, thành phố Hội An có chủ trương, nếu các hộ dân có yêu cầu sẽ được trùng tu theo thể thức: 6/4 hoặc 7/3 (nhà nước sẽ hỗ trợ 60% hoặc 70%, còn lại là do các hộ dân đầu tư kinh phí).
Những năm qua, phần lớn nguồn thu từ bán vé tham quan đều sử dụng trùng tu bảo tồn di tích. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn thu từ bán vé tham quan sụt giảm sâu, cần có sự hỗ kinh phí từ Trung ương và các nguồn khác để trùng tu, bảo vệ di sản Hội An.
Hồng Thắm (Theo TTV24)