“… Chỉ với ba thiên truyện Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí, câu chữ của nhà văn Kim Lân gan lì thách thức thời gian, bàng quan với thời tiết chính trị, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc”.
Tọa đàm kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân (1920 – 2007) tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội sáng 16-11 có mặt rất đông nhà văn, nhà phê bình luống tuổi cùng đông đảo họa sĩ vốn là bạn bè của 4 người con của nhà văn đều là những họa sĩ tài hoa.
Phần đông ý kiến tại buổi tọa đàm đều nhắc đến Kim Lân như một “ca lạ” của văn chương Việt Nam thế kỷ 20, khi ông viết rất ít và chỉ chuyên vào một thể loại là truyện ngắn nhưng lại chiếm giữ một vị trí quan trọng trong văn chương thời đại mình, sánh ngang với các tác giả có lượng sáng tác đồ sộ như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố.
Theo nhà phê bình Lê Thành Nghị, “chỉ với ba thiên truyện Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí, câu chữ của nhà văn Kim Lân gan lì thách thức thời gian, bàng quan với thời tiết chính trị, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc”.
Viết ít và gác bút sớm, nhưng lý do nhà văn của làng quê được nhớ đến như vậy, theo ông Nghị, là do “sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới” và cả vì đức tính khiêm nhường cùng sự thấm đẫm văn hóa làng quê của ông.
Tại tọa đàm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng giới thiệu 50 bức ảnh đen trắng ông chụp chân dung nhà văn Kim Lân một mình hay với bạn bè văn chương.
Theo Tuổi Trẻ