Về trang chủ Văn hóa Ẩm thực Sức hút chợ đặc sản chuột đồng Hải Dương “làm đến đâu, hết đến đó”

Sức hút chợ đặc sản chuột đồng Hải Dương “làm đến đâu, hết đến đó”

Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, chợ làng Giống (Cổ Dũng, Kim Thành, Hải Dương) ngay giáp Quốc lộ 5 nhộn nhịp, sôi động hơn khi mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách tứ phương, tìm mua đặc sản – thịt chuột đồng.
Chợ chuột đặc sản Hải Dương nằm gần ngã tư giao cắt Quốc lộ 5 đoạn qua xã Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương). Cũng chính nhờ giao thông thuận lợi, chợ chuột được người dân khắp nơi biết đến. Ảnh MD
Chợ Làng Giống hay còn gọi là chợ chuột Cổ Dũng bắt đầu họp chợ từ khoảng 2h chiều mỗi ngày. Cả chợ có đến hơn chục sạp bán thịt chuột, chủ yếu là chuột thui rơm. Ảnh MD
Mùa kinh doanh thịt chuột kéo dài từ đầu tháng 9 âm lịch đến đầu tháng 12 âm lịch. Theo những tiểu thương kinh doanh đặc sản chuột đồng, vài năm gần đây, thịt chuột trở thành món ăn khoái khẩu nên không chỉ người dân địa phương, khách ở nhiều nơi như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh….cũng đổ về đây mua chuột thui rơm. Ảnh MD
Cũng theo kinh nghiệm của người dân, sau vụ mùa, chuột ăn lúa nếp nên rất béo, con nào con nấy chắc nịch, không có mùi hôi. Thịt chuột sau khi thui rơm, được bỏ hạch phía đùi, sau đó mang ra chợ bán, mỗi kilogam có giá từ 130.000 đồng-150.000 đồng, tùy chuột to, nhỏ.
Để có được những sạp chuột con nào con nấy bóng bẩy, chắc nịch chuyển đến tay thực khách, những người nông dân xã Cổ Dũng vất vả từ khâu bắt chuột cho đến sơ chế. Ngay đầu cổng chợ chuột, không khó bắt gặp hình ảnh người dân sơ chế chuột đồng. Ảnh MD
Trong làng, nhiều hộ gia đình tất bật sơ chế chuột để giao cho khách. Ông Nguyễn Quý Nhi, 60 tuổi, người có hơn 30 năm kinh nghiệm bắt và thịt chuột đồng cho biết, sau vụ mùa, thanh niên, trung niên trong làng gác lại công việc thường nhật, tập trung bắt chuột. Nhóm của ông Nhi có 5 người, ngày nào cũng lên đường từ sáng sớm, đi khắp các vùng có nhiều ruộng lúa đã thu hoạch để bắt chuột cho đến tận 1-2h chiều mới về. “Về đến nhà, anh em ăn nhanh bữa rồi lại bắt tay sơ chế chuột, chuẩn bị giao cho khách đã đặt trước, làm đến đâu, khách lấy đến đấy” – ông Nhi phấn khởi.
Sau công đoạn trần nước vôi để làm lông, chuột được cạo sạch lông trước khi rửa sạch, lau khô, giao cho khách hoặc thui rơm tùy theo yêu cầu khách hàng. Trong chuyến bắt chuột ở Tứ Kỳ, nhóm của ông Nhi thu hoạch hơn 50kg chuột, trừ các chi phí mỗi thợ bắt chuột thu được 500.000-700.000 đồng.
Thịt chuột vừa làm xong đã có tiểu thương đến đặt mua cả chục cân về chế biến cho nhà hàng. Chị Nguyễn Thị Lý, Đội 1 xã Cổ Dũng cho biết, nhiều hôm chuột chưa về đã có người đặt mua hết. Mới hôm qua, gia đình chị nhận đơn 10kg chuột của khách ở tận Thanh Hóa. Ảnh MD
Chuột sau khi làm sạch được quây rơm, thui cho vàng ươm trước khi giao cho khách. Ảnh MD

Từ đầu mùa đến nay, những hộ bắt và kinh doanh chuột đồng như nhà chị Lý bán ra hàng chục cân chuột mỗi ngày, với giá trung bình 150.000 đồng/kg. Chuột được người dân chế biến thành các món như luộc, quay, hầm, ăn kèm xôi nếp…. Ảnh MD

 

Theo Lao Động

Có thể bạn quan tâm