Lá quốc kỳ của mỗi nước đều có thể kể những câu chuyện về quốc gia đó, về lịch sử, thiên nhiên, địa lý, về con người… Đó là điều mà cuốn sách “Khám phá quốc kỳ trên thế giới” của NXB Kim Đồng muốn “nói” cho các độc giả nhỏ tuổi biết.
Cuốn sách do NXB Kim Đồng mua bản quyền của NXB Hachette Livre (Pháp), do hai tác giả Emmanuelle Kecir – Lepetit và Claire Wortemann viết. “Khám phá quốc kỳ trên thế giới” cung cấp thông tin về 194 lá cờ của các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hàng trăm lá cờ, được chọn lọc từ hàng triệu lá cờ khác nhau từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, các châu lục, các tổ chức, tập thể… để kể những câu chuyện thú vị, hấp dẫn và cũng đầy bất ngờ. Những lá cờ của các quốc gia được chia thành năm châu, mỗi châu lại có các khu vực khác nhau như Bắc Âu, Trung Âu, Nam Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ…
Người Trung Hoa phát minh ra lá cờ từ 3.000 năm trước, bằng cách buộc ngang trên đầu gậy một mảnh vải để làm hiệu. Đến 2.000 năm trước Công nguyên, với phát minh ra lụa, họ tạo nên những lá cờ hình tam giác, trang trí đuôi nheo và các hình rồng, rắn, mãnh hổ rất ấn tượng.
Nhưng từ “cờ” lại chính thức có xuất xứ từ người La Mã. Xuất phát từ những hình vẽ hay tượng của những con vật được coi là hiện thân các vị thần của các đội quân Ai Cập hay Ba Tư. Và sau đó, các đội quân La Mã phỏng theo những hình tượng đó để tạo ra cờ phướn bằng những miếng vải vuông, trang trí bằng các dải lụa hay tua viền, treo dọc các cây cột hình chữ thập. Những lá cờ đầu tiên này được gọi là “vexillum” nghĩa là “cờ”. Ngày nay, từ “vexillologie” chỉ ngành khoa học nghiên cứu về cờ.
Hãy thử dạo qua những lá cờ ở khu vực Bắc Âu. Điểm chung lớn nhất, ai cũng thấy, nhưng không phải ai cũng để ý, là hình ảnh những cây thập tự trên các lá cờ của Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan. Quốc kỳ Iceland và Na Uy có màu sắc ngược lại nhau. Cờ Iceland với hình chữ thập đỏ viền trắng trên nền xanh lam sẫm thể hiện hình ảnh dung nham của núi lửa, sông băng và đại dương. Chữ thập xanh lam sẫm trên nền trắng của quốc kỳ Phần Lan thể hiện màu xanh của các hồ nước và màu trắng của tuyết.
Còn lá cờ của Vương quốc Anh thì có cả tên riêng: “Union Jack”, với ba hình thập tự giao nhau biểu trưng cho ba thành viên Anh, Scotland và Ireland. Lá cờ Pháp với ba màu lam, trắng, đỏ mang ý nghĩa của tự do, bình đẳng và bác ái, xuất phát lịch sử thế kỷ thứ 9.
Khác với quốc kỳ châu Âu phần lớn sử dụng màu sắc, thì những lá cờ ở châu Mỹ lại sử dụng các hình vẽ, thậm chí khá chi tiết. Ngoài lá cờ của Mỹ ai cũng biết đến gồm 13 vạch và 50 ngôi sao tượng trưng cho 13 thuộc địa của Anh nổi dậy giành độc lập vào cuối thế kỷ 18 và 50 bang tạo thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày nay, có những lá cờ mang hình vẽ đại diện là cây cối, con vật, cây đinh ba, ngọn núi, cỗ xe, cuốn sách, thậm chí là cái mũ.
Lá cờ của Mexico có đầy đủ các biểu tượng của đất nước: chim đại bàng miệng ngậm một con rắn bay từ trên trời xuống, đậu trên một cây xương rồng nở hoa, mọc trên mỏm đá giữa sóng nước. Hình ảnh này gắn với truyền thuyết của người Mexico: Vào năm 1325, vị thần Huitzilopochtli của dân tộc Aztec đã đưa ra lời tiên tri: Dân tộc của ông phải đi về phương nam. Họ chỉ được dừng lại khi nhìn thấy một con đại bàng lớn, miệng ngậm một con rắn, bay xuống và đậu trên một cây xương rồng đang nở hoa, cây này mọc trên một tảng đá giữa mặt nước. Dân tộc Aztec đó đã lên đường, và sửng sốt khi nhìn thấy một con đại bàng đậu lên nhánh xương rồng trên một hòn đảo nằm giữa hồ Texcoco. Ở đây, họ đã dừng chân và xây dựng nên thành phố Tenochtitlan, ngày nay chính là thủ đô Mexico.
Nhiều quốc gia Nam Mỹ cũng sử dụng hình ảnh loài chim trên lá quốc kỳ. Với Guatemala là chim đuôi seo Nam Mỹ – loài chim khao khát tự do đến mức thà chết chứ không chịu bị cầm tù. Với Dominica là vẹt hoàng đế – loài chim đặc hữu của đảo quốc này. Với Ecuador là chim ưng, đại diện cho Thần ưng Andes giang đôi cánh rộng trên núi Chimborazo, ngọn núi lửa cao nhất thế giới. Thần ưng Andes cũng hiện diện trên lá cờ của Bolivia, bên cạnh ngọn núi Huayna Potosi và những đại diện còn lại cho ba giới của tự nhiên: ngọn núi là khoáng vật, động vật là chú lạc đà paca non, và thực vật là hình ảnh cây sa kê…
Dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt, một trong hai dịch giả của cuốn sách (cùng với Thu Huế) cho biết, cuốn sách đem đến cho độc giả nhí những tri thức về lịch sử, văn hóa, đời sống tinh thần cũng như nghệ thuật của từng đất nước thông qua những màu sắc và hình ảnh trên các lá cờ. “Đọc cuốn sách cũng giống như đi vòng quanh thế giới, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ nắm bắt được những giá trị tinh thần của một đất nước thông qua những biểu hiện trên lá cờ” – chị chia sẻ