“Ngành tài chính sẽ băn khoăn vì đây là nguồn thu quan trọng. Nhưng trong lúc khủng hoảng, chắc chắn sẽ có thâm hụt ngân sách”, TS Vũ Thành Tự Anh nói về đề xuất giảm thuế VAT.
Đánh giá về mục tiêu của TP.HCM trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng việc giữ được tăng trưởng dương năm 2020 là thành công. Tuy nhiên, đây là vấn đề ngắn hạn và không nên được xem là mục tiêu chính. Tầm nhìn lãnh đạo TP.HCM nên hướng tới là nền tảng cho sự phát triển dài hạn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19” ngày 3/10, TS Tự Anh khẳng định trong các nhóm mục tiêu tăng trưởng dương, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, an sinh xã hội, TP.HCM cần coi lực lượng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất.
“Không giữ được doanh nghiệp, nội lực, nền tảng cho phục hồi sẽ rất khó khăn. Bảo vệ phúc lợi của doanh nghiệp và người dân rất quan trọng. Chính sách của thành phố nên hướng vào doanh nghiệp và lao động. Bảo vệ doanh nghiệp, giữ chân lao động tạo ra nền tảng an sinh xã hội”, TS Tự Anh nhấn mạnh.
Trong khủng hoảng, ngân sách phải thâm hụt
Chuyên gia của ĐH Fulbright Việt Nam gợi mở nhiều chính sách TP.HCM có thể kiến nghị với Chính phủ. Đầu tiên, ông cho rằng việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp có rất ít ý nghĩa, thậm chí không có ý nghĩa với đại da số doanh nghiệp. “Doanh nghiệp không có lợi nhuận lấy đâu ra tiền đóng thuế”, TS Tự Anh nêu ý kiến.
Thứ hai, về thực trạng nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận nguồn vốn vay mới, ông nhìn nhận ngân hàng cũng là doanh nghiệp và phải bảo toàn vốn, hạn chế rủi ro. Do đó, cần có quỹ bảo lãnh tín dụng của Nhà nước thì ngân hàng mới dám cho doanh nghiệp vay.
Tiếp theo, cần có sự chia sẻ gánh nặng về thuế, phí với doanh nghiệp từ chính quyền. Chuyên gia này đề xuất gia hạn việc một số loại thuế đến tháng 6/2021.
Đây là thời điểm nền kinh tế thế giới có thể ổn định trở lại sau khi có vaccince chống Covid-19. Việc này cũng giúp doanh nghiệp có thời gian đủ dài để lập kế hoạch thay vì chờ đợi chính sách mỗi 3 tháng.
Ngoài ra, TS Tự Anh cho rằng nên giảm thuế VAT có thời hạn, ví dụ đến tháng 6/2021. “Ngành tài chính sẽ băn khoăn vì đây là nguồn thu quan trọng. Nhưng trong giai đoạn khủng hoảng, chắc chắn sẽ thâm hụt ngân sách. Không thể có cơn đại hồng thủy mà tất cả đều an lành. Tổn thất là tất yếu”, ông nhấn mạnh.
Doanh nghiệp muốn bỏ phiếu tín nhiệm sở, ngành
Về phía đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Capella, kiến nghị TP.HCM có thể chọn 30-50 công ty, tập đoàn lớn nhất để giải quyết vướng mắc lớn nhất là thủ tục hành chính.
Theo ông Trí, nhiều doanh nghiệp nội có nội lực lớn và đang kéo kinh tế tăng trưởng dương. Vì vậy, nếu nhóm này được tháo gỡ các dự án đang ách tắc, dòng vốn lớn sẽ được khơi thông, chảy ra thị trường, lan tỏa tác động tích cực.
Chủ tịch C.T Group Trần Kim Chung đề nghị có thể để 100 doanh nghiệp lớn nhất của TP.HCM bỏ phiếu tín nhiệm các sở, ngành theo chu kỳ mỗi quý hoặc 6 tháng. Đây là cách để cộng đồng doanh nghiệp tương tác tốt hơn, đánh giá năng lực phục vụ của các sở, ngành. Ông Chung giải thích đề xuất của mình xuất phát từ việc đã tham dự nhiều hội nghị nhưng tiến triển sau đó còn chậm.
Ngoài ra, chủ tịch C.T Group đề xuất ngoài khu đô thị sáng tạo phía đông, TP.HCM nên quan tâm thêm phát triển vành đai công nghiệp phía tây và nam gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, một phần quận Tân Phú. Nếu khu đông được các doanh nghiệp FDI chọn làm căn cứ sản xuất thì phía tây, nam TP.HCM là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, mong muốn không tăng lương tối thiểu năm 2021. Theo ông, tăng lương là mong muốn chính đáng của người lao động. Nhưng trong tình cảnh khó khăn hiện tại, người lao động cần chia sẻ cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp tồn tại mới bảo vệ được việc làm cho nhân viên.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Công ty MP Logistics đề xuất xây dựng thêm ưu đãi, kích thích khu vực tư nhân tham gia lĩnh vực logistics. Theo bà Phương, nếu tận dụng được giai đoạn nhiều trung tâm logistics lớn trong khu vực như Hong Kong, Singapore đang gặp khó khăn, TP.HCM có thể trở thành một trung tâm mới trong lĩnh vực này.
Còn ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu đề xuất TP.HCM tiếp tục có nhiều giải pháp để hoạt động chuyển đổi số diễn ra thực chất, tiếp tục thúc đẩy dự án thành phố thông minh đi nhanh hơn, minh bạch hơn. Ông Tuấn mong muốn dự án dành cho cả cộng đồng doanh nghiệp chứ không phải chỉ một vài đơn vị.
Chính sách không thiếu, vấn đề là thực thi
Theo chuyên gia của ĐH Fulbright, các ngành nghề khác nhau chịu tác động khác nhau. Do đó, các chính sách hỗ trợ phải có mục tiêu rõ ràng, hướng đến đúng đối tượng chịu tổn thương. Đây là điểm yếu của chính sách cấp trung ương và địa phương cần làm tốt hơn.
Ông Tự Anh nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ không thiếu nhưng vướng mắc lớn nhất nằm ở việc thực thi. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ rất thấp.
Vì vậy, TP.HCM cần hình thành “nhóm đặc nhiệm” chuyên trách, gồm cơ quan làm chính sách (Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính), hiệp hội doanh nghiệp và các viện nghiên cứu cho từng lĩnh vực. Nhóm này sẽ góp phần tư vấn các chính sách hỗ trợ cụ thể sát sao nhất với mỗi ngành nghề.
Ngoài ra, TS Tự Anh nhấn mạnh sự hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp là việc TP.HCM duy trì các hoạt động kinh tế bình thường khi thực hiện mục tiêu kép. “Có chính sách nhưng chúng ta phải đóng cửa thì cũng không giải quyết được vấn đề”, ông phát biểu.
Với việc phục hồi, phát triển dài hạn hậu dịch Covid-19, ông cho rằng điều quan trọng nhất là nhìn nhận đúng các xu thế trong tương lai để chuẩn bị thế và lực cho giai đoạn 5-10-20 năm tới.
Về mặt tiêu cực, dòng vốn đầu tư trực tiếp chắc chắn sẽ suy giảm cùng xu thế kéo hoạt động của doanh nghiệp về gần nước sở tại. Do đó, phải xác định ngoại lực là cấn thiết nhưng nội lực mới cốt lõi của nền kinh tế. Ngoài ra, quá trình tự động hóa, robot hóa sẽ tác động đến các lĩnh vực thâm dụng lao động. Do đó, phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế để lường trước vấn đề này.
Ngược lại, một số xu hướng tích cực bao gồm sự chuyển đổi số của doanh nghiệp đi cùng Chính phủ số, xã hội số; thương mại dịch vụ sẽ tăng, hàng hóa sẽ giảm.