Ngày 11/10/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho ra mắt chương trình Công nghệ tài chính Bali (Bali Fintech) nhằm giúp các nước thành viên khai thác các lợi ích công nghệ tài chính và quản lý những rủi ro phát sinh.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, phát biểu ra mắt chương trình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới không nên điều chỉnh quá mức và can thiệp vào sự phát triển của công nghệ tài chính, thay vào đó cần đổi mới và thử nghiệm để phát triển.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết có 12 yếu tố chính trong chương trình nghị sự Bali Fintech được phối hợp với WB để khuyến cáo các nước thành viên về các danh mục cần kiểm tra trong chính sách hiện hành.
Các yếu tố này gồm: 1/Cam kết sử dụng công nghệ tài chính; 2/Áp dụng công nghệ mới để tăng cường cung cấp dịch vụ tài chính; 3/Tăng cường cạnh tranh và cam kết mở, tự do, cũng như tính cạnh tranh của thị trường; 4/Sử dụng fintech để thúc đẩy và phát triển thị trường tài chính; 5/Theo dõi sự phát triển chặt chẽ để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về phát triển hệ thống tài chính; 6/Áp dụng khung pháp lý thích ứng và thực hành giám sát để phát triển có trật tự và ổn định hệ thống tài chính;
7/Bảo vệ tính toàn vẹn của các hệ thống tài chính; 8/Hiện đại hóa các khung pháp lý để quản lý và sử dụng fintech; 9/Đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và tiền tệ trong nước; 10/Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính và dữ liệu mạnh để đảm bảo lợi ích của fintech; 11/Khuyến khích hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; 12/Tăng cường giám sát tập thể của hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế./.
Theo Vietnam+