Một thay đổi tại trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Cantavil (Q.2,TP.HCM) là rất nhiều gian hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện được thay thế bằng các dịch vụ khác như cửa hàng điện thoại, cà phê, dịch vụ y tế….
Nếu thông tin Parkson Cantavil Q.2 đóng cửa là chính xác thì sẽ nâng số TTTM đóng cửa của Parkson trên cả nước lên con số 5 và là số 3 tại Sài Gòn. Theo ghi nhận, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh tại Parkson Cantavil đã không còn kinh doanh cùng Parkson từ tháng 6/2018, mà thuê mặt bằng thông qua Cantavil Premier mall.
Được biết, hiện bảng hiệu Parkson tại khu phức hợp Cantavil An Phú không còn, các gian hàng tự mua bán với khách hàng chứ không phải thanh toán thông qua trung tâm thương mại và không áp dụng bất cứ hình thức khuyến mãi hay tích lũy điểm với chủ thẻ Parkson… đây có lẽ được xem là động thái Parkson Cantavil Q.2 đang rút lui khỏi thị trường TP.HCM.
Parkson Cantavil Q.2 hoạt động từ tháng 12/2013 và thời điểm đó là trung tâm thương mại thứ 6 tại TP.HCM. Trung tâm này được đầu tư 8 triệu USD , tổng diện tích mặt bằng thương mại lên đến 17.815m2, gồm 1 tầng hầm và 5 tầng kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian vận hành, khu mua sắm này trở nên vắng vẻ và các gian hàng thời trang liên tục đổi chủ, giảm giá, thanh lý hàng tồn.
Trước đó, năm 2015-2016, Parkson lần lượt đóng cửa các TTTM Parkson Keangnam, Parkson Thái Hà (Hà Nội), Parkson Paragon (Q.7, TP.HCM) và mới đây, tháng 2/2018, Parkson Flemington (Q.11, TP.HCM) là TTTM thứ 4 của Parkson trên cả nước đóng cửa được cho là do hoạt động không hiệu quả.
Như vậy, nếu Parkson Cantavil cũng đóng cửa thì tại TP.HCM chỉ còn Parkson Saigon Tourist Plaza (Q.1) , Parkson Hùng Vương Plaza (Q.5) và Parkson CT Plaza (Q.Tân Bình) hoạt động. Hiện Parkson không còn sở hữu trung tâm thương mại nào tại Hà Nội.
Báo cáo tài chính quý I/2018 niên độ 2017-2018 vừa được Parkson Retail Asia -Tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi Parkson tại Việt Nam công bố với kết quả lỗ trước thuế 24 tỷ đồng , đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm 2018, Parkson chỉ thu về khoảng 111 tỷ đồng doanh thu tại Việt Nam, giảm 11% so với cùng kỳ 2017. Trong khi giá vốn và các chi phí vận hành không giảm khiến tập đoàn này lỗ 24 tỷ đồng , cùng kỳ chuỗi trung tâm tại Việt Nam cũng khiến Parkson lỗ 20 tỷ.
Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu quý vừa qua giảm mạnh do Parkson đã phải đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam vào tháng 2 vừa qua là Parkson Flemington (TP.HCM).
Với niên độ tài chính bắt đầu từ tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 6 năm sau, lũy kế 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và lỗ tới 48 tỷ đồng , giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài Việt Nam thì Parkson còn thua lỗ tại 3 thị trường khác thuộc Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia và Myanmar. Báo cáo của Parkson cũng cho biết doanh số của cùng một cửa hàng trong kỳ vừa qua cũng giảm tới 9,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ngoài Việt Nam thì Parkson còn thua lỗ tại 3 thị trường khác thuộc Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia và Myanmar. Tại Malaysia, thị trường lớn nhất của Parkson Asia, dù doanh thu cao gấp 12 lần so với Việt Nam nhưng tập đoàn này cũng đang phải chịu khoản lỗ gấp hơn 3 lần. Tại Indonesia, doanh thu nơi đây cao gấp gần 2 lần Việt Nam nhưng cũng thua lỗ 2,5 lần. Tại thị trường nhỏ nhất là Myanmar, Parkson cũng đang trong tình trạng thua lỗ tương tự trên dưới 10 tỷ đồng.
Parkson chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005 và từng phát triển lên tới 10 trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tục chịu lỗ những năm gần đây nguyên nhân được cho là do thị trường xuất hiện thêm nhiều đơn vị bán lẻ nước ngoài với tiềm lực mạnh, chiết khấu lớn khiến Parkson không thể cạnh tranh lại.
Theo Trithuctre