Chiều 7/8, Quỹ đầu tư VinaCapital phát đi thông báo về hướng xử lý của doanh nghiệp sau khi Công ty cổ phần Ba Huân gửi đơn lên Thủ tướng tố cáo bị VinaCapital chiếm đoạt thương hiệu, chiếm quyền quản lý và điều hành công ty.
Thông báo của quỹ đầu tư này nêu rõ, khi quyết định đầu tư vào Công ty Cổ phần Ba Huân, VinaCapital tin doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt với tiềm năng phát triển mạnh. Đó là lý do VinaCapital mong muốn được hợp tác để cùng đưa công ty bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn.
Tuy nhiên, do một số hiểu lầm giữa đôi bên, quỹ đầu tư này quyết định dừng tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp để kết thúc thương vụ này trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích các bên.
Trong diễn biến trước đó, hồi cuối tháng 2/2018, Vietnam Opportunity Fund, đơn vị chủ quản của VinaCapital thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán London về việc hoàn tất thương vụ đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Ba Huân. VOF dự kiến đầu tư một khoản vốn bổ sung trong vòng 12 tháng tới nếu doanh nghiệp này hoàn thành những mốc quan trọng mà hai bên thoả thuận.
Bà Phạm Thị Huân -Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân
Đưa lý do bảo mật, VinaCapital từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về các hợp đồng giao dịch đã ký kết giữa đôi bên nhưng vẫn hé lộ một vài chi tiết cơ bản.
Thứ nhất, các điều khoản đã được hai bên ký kết phù hợp với các thông lệ của thị trường, tương đồng với các thương vụ hợp tác đầu tư mà VinaCapital đã thực hiện thành công trước đây và hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, các điều khoản này cũng bao gồm một số điều kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Những điều kiện đó chỉ áp dụng khi doanh nghiệp không đạt được các kết quả kinh doanh do chính ban điều hành doanh nghiệp dự đoán. Thêm vào đó, VinaCapital đã chấp thuận đầu tư với mức định giá doanh nghiệp cao hơn nhiều so với định giá của thị trường tính trên cơ sở P/E.
Các hợp đồng chính thức được soạn thảo bằng tiếng Anh và đã được các bên rà soát và ký kết vào tháng 2/2018. Các bản hợp đồng chính thức cùng tất cả tài liệu quan trọng đều được dịch sang tiếng Việt và không có sự khác biệt về nội dung giữa các bản tiếng Anh và tiếng Việt. Quỹ đầu tư này cũng khẳng định, trước đó Ba Huân đã nhận được Biên bản ghi nhớ Đầu tư (terms sheet) bằng tiếng Anh cùng bản dịch tiếng Việt để đối chiếu, rà soát. Tất cả điều khoản thương mại quan trọng cốt lõi sẽ được đưa vào các hợp đồng chính thức trước khi ký biên bản này vào tháng 10/2017.
Việc thương lượng và soạn thảo các văn bản đầu tư, từ lần gặp gỡ đầu tiên và thời gian chuẩn bị việc ký kết Biên bản Ghi nhớ cho đến khi ký kết các hợp đồng chính thức kéo dài hơn 6 tháng. Trong suốt quá trình đó, Ba Huân có tham vấn một số đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và do đó họ hoàn toàn hiểu rõ các nghĩa vụ mà họ đã cam kết thực hiện.
Cuối thông báo này, VinaCapital cũng phân bua không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân và việc này không nằm trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ trước đến nay.
Động thái rút lại thương vụ của VinaCapital được đưa ra sau hàng loạt phản ứng quyết liệt của phía đối tác Việt Nam. Đầu tháng 7, Công ty cổ phần Ba Huân có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital.
Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc công ty cho biết, một trong những lý do khiến doanh nghiệp đưa ra quyết định này vì nhận thấy thỏa thuận hợp tác giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu. Cụ thể, VinaCapital “tự động” đưa vào tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22% một năm – gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng.
VinaCapital cũng hạn chế hoạt động công ty bằng việc loại bỏ các ngành nghề kinh doanh trước đó, chỉ giữ lại sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà. VinaCapital cũng ra điều kiện Ba Huân chịu phạt trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau ba năm từ khi nhận vốn đầu tư. Bà Huân còn khẳng định hai bên chỉ mới ký bản tiếng Anh.
Theo Hà Thanh/Vnexpress