Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản trong 10 năm qua đạt 53,2 tỷ USD, trong đó, thị trường nhà ở cao cấp luôn là lựa chọn hàng đầu.
Trong một báo cáo vừa công bố, Joneslanglasalle (JLL) đánh giá, những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland… với các dự án bất động sản cao cấp đầu tiên tại Việt Nam trong 10 năm trước đã mang đến tổng nguồn cung 1.000 trên tổng số 1.700 căn hộ cao cấp của toàn thị trường TP HCM vào thời điểm đó.
“Tuy nhiên, đây là một tỷ trọng rất nhỏ so với cả một lượng dân số 6,85 triệu người theo thống kê cuối năm 2007”, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam, JLL nhận định.
Những năm gần đây, thị trường xuất hiện những chủ đầu tư FDI khác như Hong Kong Land, Fraser Centrepoints hoặc Mappletree, các nhà đầu tư từ Nhật Bản như Daiwa House, Nomura và Sumitomo, hoặc các tập đoàn từ Hàn Quốc như Lotte Group, GS…
Ảnh phối cảnh một dự án do liên danh Việt Nam-nước ngoài thực hiện.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, trong vài năm trở lại đây, dòng vốn FDI còn có xu hướng mở rộng vào các phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân. Cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, những thương vụ giao dịch được công bố trong 3 năm trở lại đây như nhà đầu tư Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long, hoặc Sanyo Homes và Tiến Phát, và gần đây nhất là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation và Phúc Khang…
“Phân khúc đầu tư của các liên doanh đa dạng nhắm đến phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân. Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư ngoại đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt”, bà Khanh nhận định.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, lợi thế của các chủ đầu tư trong nước là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các bất động sản đã được xác lập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án sẽ làm gia tăng giá trị dự án.
JLL cũng đưa ra những dự báo về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2018, trong đó có nhu cầu về không gian co-working đang tăng lên đáng kể từ cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Ngoài ra, theo bà Khanh, các tài sản công nghiệp và hậu cần tiếp tục là phân khúc có sức hút mạnh mẽ nhà đầu tư ngoại.
“Việc thiếu hụt các khu nhà máy kỹ thuật cao, không gian kho vận hậu cần hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ khách thuê nước ngoài thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của ngành công nghiệp này. Chính vì vậy, ngành công nghiệp và kho vận tại Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2018”, bà Khanh nhận định.
Theo Nguyễn Hà/Vnexpress