Vạn vật kết nối (Internet of Things- IoT) là một phần cấu tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. IoT đang phát triển nhanh chóng với sự kết nối bởi hàng loạt thiết bị số và cảm biến khắp thế giới. IoT đang dần hiện diện ở mọi khía cạnh của cuộc sống con người nhằm tạo ra sự tiện nghi vượt trội.
Không những vậy, các doanh nghiệp ứng dụng IoT còn thay đổi cuộc chơi trong cạnh tranh và có xu hướng dẫn dắt thị trường vì tính gắn kết tốt hơn lòng trung thành của khách hàng qua sự thấu hiểu hành vi lẫn cảm xúc người dùng. Theo đó, có lẽ ngành ngân hàng (NH) cũng không là ngoại lệ.
Vậy IoTlà gì? IoTđã sẵn sàng cho ngành NH chưa ? Và những lợi ích do IoT đem lại cho ngành NH là gì ?
Vạn vật kết nối (IoT) là gì ?
IoT là cách kết nối các thiết bị giao tiếp để chia sẻ thông tin, dự đoán nhu cầu, giải quyết vấn đề và nâng cao hiệu quả. Về cơ bản, IoT kết nối mạng các thiết bị vật lý, phương tiện di chuyển, tòa nhà, các vật thể khác,…và được nhúng với các thiết bị điện tử, phần mềm, cảm biến, sau đó kết nối mạng cho phép các thiết bị thông minh này thu thập trao đổi dữ liệu.
Có thể lấy ví dụ: Tủ lạnh trong nhà bếp có thể gởi cho bạn một thông báo trên điện thoại thông minh khi nào bạn sắp hết sữa, hoặc trứng; Hay chiếc đồng hồ có thể cảnh báo về nhịp tim hoặc sự cố nhịp tim của bạn; Hay ví điện tử gởi cảnh báo giới hạn chi tiêu trong tháng…. Ngoài ra, tất cả các thông tin này được ghi lại. Sau đó, phần mềm sau khi xem dữ liệu có thể đề xuất cho bạn các thông tin như: Bạn có khả năng phải mua sữa và trứng vào thứ 6, hoặc có khả năng đau tim trong 3 tuần tới, hoặc tiết giảm các khoản chi tiêu được đề xuất….
IoT đã sẵn sàng cho ngành ngân hàng chưa ?
Theo Gartner, hiện nay trên thế giới có xấp xỉ 6,5 tỷ thiết bị số được kết nối vạn vận và sẽ gần 20 tỷ thiết bị đến năm 2020. Khi hàng tỷ thiết bị được kết nối với nhau thì sẽ trở thành một hệ thống thông minh. Lúc này, những thiết bị và hệ thống thông minh sẽ chia sẻ dữ liệu trên đám mây, bắt đầu phân tích và đưa ra những thông tin hữu ích cho người dùng. Với những kết quả phân tích và đề xuất thông minh, IoT có thể biến đổi mọi công việc kinh doanh của doanh nghiêp và cuộc sống của người dùng, trong đó có ngành ngân hàng.
Một khi khách hàng sử dụng thiết bị thông minh để truy cập dữ liệu, thì các NH có thể thực hiện phác họa một cái nhìn toàn diện về tài chính của khách hàng trong thời gian thực. Các NH có thể dự đoán được nhu cầu tài chính của khách hàng thông qua thu thập dữ liệu và đề xuất giải pháp hoặc lời khuyên nhằm giúp khách hàng đưa ra quyết định tài chính hợp lý và thông minh.
Bằng cách này, IoT trong NH sẽ là người hỗ trợ đáng tin cậy về tài chính cho khách hàng, cũng từ đó gia tăng gắn kết hơn lòng trung thành của khách hàng. Như vậy, sự phát triển của các thiết bị số, sự sẵn sàng của người dùng, tính kết nối vạn vật của hệ thống, lợi nhuận gia tăng do lòng trung thành của khách hàng…sẽ hỗ trợ rất nhiều cho IoT ứng dụng trong ngành NH.
Những lợi ích do IoT đem lại cho ngành ngân hàng
Thông thường, khi chúng ta bắt tay vào thực hiện một cái gì đó mới thì cần phải thấy những lý do mạnh mẽ “tại sao cần chúng ta phải làm?”. Những lý do đó sẽ được cụ thể hóa qua những lợi ích mà IoT đem lại cho ngành NH, cụ thể:
Một là, thu thập tất cả dữ liệu trong chế độ thời gian thực. Ngành NH cần nắm bắt cơ hội thu thập dữ liệu quý giá của khách hàng thông qua mọi thiết bị thông minh và cảm biến (sensor devices). Với những thông tin được thu thập sẽ giúp ngân hàng hiểu rõ hành vi của người dùng và từ đó hỗ trợ khách hàng trong mọi quyết định tài chính, cũng như đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn.
Hai là, quản lý toàn diện các sản phẩm-dịch vụ. Với công nghệ IoT, các NH có thể tung ra những dịch vụ tài chính phù hợp các hành vi và sở thích của khách hàng. Đồng thời, IoT sẽ giúp NH hiểu được dịch vụ nào sắp ra mắt và thời điểm thích hợp để tung dịch vụ ra thị trường.
Ba là, marketing hướng cá nhân hóa. Đây là cách tốt nhất để giữ chân khách hàng trong một môi trường ngày càng cạnh tranh vì tính nắm bắt dữ liệu và cung cấp sản phẩm tài chính theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, các chương trình marketing với công nghệ IoT còn giúp các thông điệp truyền thông một đối một và mang tính trải nghiệm nhiều hơn.
Bốn là, tăng cường quá trình ra quyết định. Nếu NH biết thêm thông tin về khách hàng của họ mà được nhận từ các thiết bị IoT và các thông tin theo lịch sử giao dịch tài chính sẽ giúp cải thiện các quy trình ra quyết định về: Thẩm định tín dụng, đánh giá rủi ro tài chính, chiến lược sản phẩm, hoạch định dịch vụ khách hàng….
Năm là, giao tiếp giữa các thiết bị số khác nhau. Sự kết hợp của cảm biến và phần mềm sẽ giúp tự động thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt mà không chạm vào điện thoại hoặc thẻ ngân hàng của người dùng. Ví dụ: Người dùng đi đến quầy tính tiền trong siêu thị, và có một bộ cảm biến được cài đặt để nhận diện số lượng và phân loại các sản phẩm trong giỏ hàng. Sau đó, hệ thống tính toán tổng số tiền cho tất cả các sản phẩm và kết nối với ví di động của người dùng. Việc thanh toán này được thực hiện hoàn toàn tự động.
Sáu là, khách hàng tương tác thông minh với NH qua IoT. Nghĩa là, tài khoản NH của khách hàng sẽ được kết nối với hàng loạt thiết bị thông minh và từ đó giao tiếp đa kênh với NH cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, sự kết nối với đồng hồ thông minh, ti vi thông minh…sẽ cung cấp cho người dùng một tín hiệu khi họ vượt quá giới hạn chi tiêu hoặc đánh giá nhanh các rủi ro tài chính sắp tới….
Những ứng dụng có thể áp dụng ngay trong ngành ngân hàng tại Việt Nam
Các lợi ích của IoT đến ngành NH là đáng kể và cũng là lý do phải thay đổi để đón đầu xu hướng cạnh tranh. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ IoT không thể “một sớm một chiều” mà cần kế hoạch dài hơi bài bản. Nhưng NH Việt Nam có thể từng bước ứng dụng IoT như:
Thứ nhất, ứng dụng trong phân tích dữ liệu để cung cấp các dịch vụ phù hợp, bổ ích, dễ truy cập cho các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Bên cạnh đó, một tính năng nổi bật khi ứng dụng IoT còn giúp NH dự đoán gian lận và gởi cảnh báo trong các giao dịch thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ khi khách hàng thao tác quẹt thẻ và có thể đưa ra các phê duyệt chấp nhận hoặc từ chối giao dịch.
Thứ hai, ứng dụng IoT hướng đến phân tích hoạt động sử dụng ATM ở các khu vực cụ thể và tăng/giảm việc lắp đặt các máy ATM tùy thuộc khối lượng sử dụng. Ngoài ra, IoT cùng giúp NH tăng khả năng tiếp cận khách hàng và cung cấp các ATM gần hơn với khách hàng mục tiêu.
Thứ ba, dữ liệu khách hàng có sẵn qua IoT như máy POS, internet banking, mobile banking, hệ thống thanh toán trong NH …sẽ giúp NH xác định nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng của họ như: Nhà cung cấp, nhà phân phối sỉ, nhà bán lẻ, người dùng cuối. Các thông tin trên sẽ giúp NH Việt Nam cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, hỗ trợ tài chính, và các sản phẩm tùy chỉnh hướng đến lợi ích của cả hai bên.
Thứ tư, các NH có thể lắp đặt các thiết bị cảm biến thông minh tại kho của người vay nhằm theo dõi nguyên liệu thô và hàng tồn kho từ đó đối sánh với các thông tin tài chính đang có của người vay. Hoạt động này giúp NH kiểm soát và ngăn ngừa gian lận, cũng như tình hình tài chính theo thời gian thực của người vay.
Thứ năm, kết hợp dữ liệu từ IoT và lịch sử giao dịch tín dụng ở CIC để phân tích và xác định điểm tín dụng, hành vi tài chính, khả năng chi trả trong cuộc sống thường ngày…Từ đó, IoT đánh giá được mức độ rủi ro tài chính và đưa ra các đề xuất tài chính cụ thể cho từng khách hàng.
Tóm lại, việc sử dụng thiết bị số của người dùng ngày càng gia tăng đã dẫn đến sự ra đời của dữ liệu lớn và công nghệ IoT. Các lợi ích khi ứng dụng IoT đã làm biến đổi cuộc sống của từng người dùng cũng như doanh nghiệp cung cấp sản phẩm-dịch vụ. Điều còn lại, các doanh nghiệp nói chung, NH nói riêng phải chuyển đổi dữ liệu từ IoT thành các thông tin hữu ích có giá trị đối với khách hàng để gia tăng thị phần, tạo lợi thế cạnh tranh và gắn kết lòng trung thành của khách hàng.
Theo TS.Châu Đình Linh-Trithuctre