Để có tiền cho các khoản trợ cấp hàng tháng đó, doanh nhân 43 tuổi này đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng 10% lên các công ty, điều mà ông cho rằng sẽ tạo ra một nguồn thu mới lên đến 800 tỷ USD.
Doanh nhân Andrew Yang -nhân vật chạy đua cho chiếc ghế tổng thống Mỹ -đang làm cho cuộc cách mạng robot trở thành trụ cột chính trong chiến dịch tranh cử của mình cho cuộc đua năm 2020.
Yang là người sáng lập của Venture for America, một tổ chức phi lợi nhuận giúp các doanh nhân tạo ra việc làm và trước đó ông là CEO của công ty giáo dục Manhattan Prep. Là một người thuộc đảng Dân chủ, ông cho rằng sự gia tăng của tự động hóa và trí thông minh nhân tạo sẽ sớm khiến hàng triệu công việc của người Mỹ trở nên lỗi thời.
Để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp đang lan rộng, ông đề xuất khoản trợ cấp hàng tháng là 1.000 USD cho tất cả các công dân trong độ tuổi từ 18 đến 64, mà không ràng buộc điều kiện gì.
Với 1/3 lao động Mỹ có nguy cơ thất nghiệp vĩnh viễn do bị ảnh hưởng bởi các công nghệ mới trong 12 năm tới, “chúng ta phải thúc đẩy cả xã hội Mỹ lẫn chính phủ để giúp quản lý quá trình chuyển đổi này”, ông nói với phóng viên Akiko Fujita của CNBC bên lề Diễn đàn nhà đầu tư CLSA ở Hong Kong.
Về mặt lý thuyết, các khoản trợ cấp như vậy sẽ tạo ra 4,5 triệu việc làm bằng cách chuyển sức chi tiêu của người tiêu dùng nhiều hơn vào nền kinh tế và “tiếp thêm nhiên liệu” cho các doanh nghiệp chủ đạo, ông dự đoán và trích dẫn các ước tính từ Viện Roosevelt.
“Bằng cách thực hiện điều này, bạn cũng tăng cường thị trường tiêu dùng mà các doanh nghiệp cần, điều này là rất cần thiết cho chủ nghĩa tư bản được tiếp tục ở dạng hiện tại của nó”, ông nói.
Để có tiền cho các khoản trợ cấp hàng tháng đó, doanh nhân 43 tuổi này đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng 10% lên các công ty, điều mà ông cho rằng sẽ tạo ra một nguồn thu mới lên đến 800 tỷ USD.
Mặc dù tổng thống Donald Trump muốn mang công việc về lại Mỹ, nhưng Yang không tin rằng những công việc đó đang quay trở lại. Theo Yang, sở dĩ ông Trump giành được chiến thắng là vì nước Mỹ “đã tự động hóa bốn triệu công việc sản xuất” ở các khu vực như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.
Ý tưởng các chính phủ cung cấp thường xuyên tiền mặt miễn phí cho người dân hiện được biết đến như là “thu nhập cơ bản phổ quát”, và đã được một số nhà kinh tế và chính trị gia nổi tiếng, gồm Milton Friedman, Bernie Sanders và tiến sĩ Martin Luther King Jr. lên tiếng ủng hộ.
Phần Lan đã thử nghiệm chính sách này kể từ tháng 1 năm 2017 trong khi các giám đốc điều hành công nghệ như Elon Musk và Mark Zuckerberg đã bày tỏ sự ủng hộ cho ý tưởng này. Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng thu nhập cơ bản phổ quát có thể sẽ dẫn đến việc làm tăng thêm thâm hụt ngân sách nhà nước và giảm động lực làm việc của mọi người.
Dẫu vậy, Yang vẫn cho rằng 1.000 USD là “con số mang lại kết quả tốt nhất” bởi vì “nó đủ cao để có ảnh hưởng rất lớn đến các hộ gia đình Mỹ nhưng không cao đến nỗi sẽ đẩy mọi người ra khỏi thị trường lao động”.
Theo chính sách của Yang, các công dân đã nhận được quyền lợi của chính phủ sẽ phải lựa chọn giữa phúc lợi hiện có hoặc khoản trợ cấp hàng tháng 1.000 USD. Trong khi đó, những người lớn tuổi sẽ tiếp tục hưởng an sinh xã hội.
Theo Trithuctre-CNBC