Làm chủ các nguồn dữ liệu lớn (BigData) và đưa chúng vào sản xuất, khiến cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn là cách thức để chiến thắng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt nhiều quốc gia vào trạng thái dễ bị tổn thương”, GS.Hồ Tú Bảo -Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu-Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, cho biết tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong thời đại chuyển đổi số”, sáng 10/9/2018.
Đến nay, GS.Bảo vẫn nhớ về nhận định ám ảnh của GS.Sang Kyun Cha, người có uy tín trong cả 2 giới hàn lâm và công nghiệp tại Hàn Quốc về cách mạng 4.0 cách đây 1 năm: “Mối đe dọa là chỉ một số ít quốc gia thắng cuộc sẽ lấy đi tất cả”.
Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), theo GS.Bảo là không hề đơn giản. Và nếu theo nhìn nhận này, thì chỉ một số ít quốc gia, một số ít các doanh nghiệp hàng đầu sẽ nắm giữ toàn bộ mọi thứ và buộc những người khác phải mua, sử dụng sản phẩm của họ.
Trong các bài viết của mình, GS. Bảo cho biết cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh dựa trên các đột phá của công nghệ số. Công nghệ số ở đây gồm 2 nội dung chính là số hoá và dùng dữ liệu số hoá.
Mọi thực thể, đến nay đã được con người dần dần số hoá và giúp chúng được kết nối với nhau qua các phiên bản số, hay còn được gọi là Internet vạn vật, nhờ đó, tạo thành một không gian số hoá lớn và phức tạp-dữ liệu lớn (big data).
GS. Bảo cho biết thông qua những điều trên, phương thức sản xuất của con người đã thay đổi. Theo đó, hoạt động sản xuất trong thế giới thực được điều hành và quyết định một cách thông minh từ các không gian số nói trên.
Điều này có nghĩa là các quốc gia thắng cuộc sẽ là quốc gia làm chủ được big data, ứng dụng chúng vào sản xuất, khiến cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, số lượng quốc gia hoặc doanh nghiệp này chỉ là thiểu số, dẫn đến người thắng-kẻ thua trong cuộc chạy đua cách mạng công nghiệp 4.0.
Do vậy, các quốc gia trên thế giới đều đang có chương trình chiến lược phát triển, khẩu hiệu riêng. Ví dụ như nước Mỹ có “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến” cho ba thập kỷ. Nước Đức có “Công nghiệp 4.0”, còn nước Pháp có “Bộ mặt mới của công nghiệp Pháp”.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, không phải nước nào cũng hướng đến công nghiệp, đơn cử như Singapore khi nước này chọn cho mình chiến lược là “quốc gia thông minh”. “Singapore không có công nghiệp, họ tập trung về dịch vụ”, ông Bảo nói.
Dù vậy, cốt lõi của các chương trình vẫn là câu chuyện của số hoá, kết nối và phân tích dữ liệu lớn. Hay gọi chung là khoa học dữ liệu.
Do đó, để có được sức mạnh từ khoa học dữ liệu, hay không bị bỏ lại trong cuộc chạy đua này, Việt Nam cần phát triển khoa học dữ liệu thông qua chính sách và nỗ lực xây dựng nguồn tài nguyên về công cuộc số hoá.
Ngoài ra, theo ông Bảo, để khoa học dữ liệu có thể là mũi đột phá trong phát triển, Việt Nam còn cần những yếu tố khác như sự mạnh mẽ của các quyết tâm chính trị, của các chính sách mới cũng như sự cách tân của các doanh nghiệp.
Theo Cafef-Trithuctre