Sau quá trình xác minh thông tin bạn đọc và tổng hợp tin tức quốc tế, chúng tôi tiến hành đăng tải hai bài viết “Điện lực Việt Nam sẽ ra sao nếu Tập đoàn EVN hợp tác với nhà thầu không đủ năng lực?”, “Tập đoàn EVN chọn nhà thầu “dởm”: Hệ lụy khó lường!” để nói lên những bất minh trong việc hợp tác với nhà thầu kém chất lượng của Tập đoàn EVN.
Cùng lúc đó, Tạp chí Hợp tác và Phát triển đã có văn bản kiến nghị gửi nhiều Cơ quan chức năng liên quan để mong sớm có câu trả lời.
Vụ việc Tập đoàn EVN bắt tay với nhà thầu kém chất lượng đến từ Singapore đang gây hoang mang trong dư luận. NRI đang có một khoản nợ khổng lồ lên đến 4 tỷ USD và mất hết khả năng chi trả. Tập đoàn Noble đã chi hơn 100 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019 cho chi phí tái cơ cấu, báo cáo khoản lỗ ròng 128,3 triệu đô la Mỹ trong quý gần nhất. Hiện tại, Noble chỉ còn sở hữu 20% tập đoàn, các chủ nợ chiếm quyền kiểm soát. Giá trị thị trường giảm xuống thậm tệ, chỉ còn 170 triệu USD, từ mức 6 tỷ USD vào tháng 2/2015.
EVN đi trước, GENCO1 nối bước theo sau
Công ty phát điện 1 (GENCO1) là công ty con của Tập đoàn EVN. GENCO1 đưa nhà thầu NRI vào danh sách ngắn (là danh sách nhà thầu trúng sơ tuyển đối với đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển; danh sách nhà thầu được mời tham dự thầu đối với đấu thầu hạn chế; danh sách nhà thầu có hồ sơ quan tâm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm). Có thể khẳng định NRI vượt qua bài kiểm tra báo cáo tài chính của GENCO1 một cách dễ dàng, điều mà các nhà thầu ở Việt Nam dù có đủ năng lực nhưng vẫn chưa giải được.
GENCO1 gửi hồ sơ mời thầu vào ngày 5/5/2019 nhưng lại yêu cầu các nhà thầu chỉ nộp báo cáo tài chính của 3 năm là 2015, 2016 và 2017, không có năm 2018. Hồ sơ báo cáo tài chính của nhà thầu phải được minh bạch, khai báo từ những năm gần nhất vì tính thực tế cao dẫn đến năng lực cạnh tranh cao, cơ hội trúng thầu cao. Vậy tại sao lại không yêu cầu nhà thầu nộp báo cáo tài chính 2018?
Hơn ai hết những chuyên gia kinh tế của GENCO1 thừa khả năng biết được, năm 2018 NRI vẫn đang lỗ nặng, khoản nợ hơn 4 tỷ USD, buộc phải tái cấu trúc theo yêu cầu của chủ nợ là các ngân hàng. Các năm 2016 và 2017, NRI lỗ sau thuế là hơn 3 tỷ USD. Bờ vực phá sản chỉ cách NRI vài bước chân, nhưng qua hết bất ngờ này đến thần kỳ khác, NRI lần lượt trúng đậm các gói thầu cung cấp than cho EVN và GENCO1.
Thêm vào đó, GENCO1 đã từng mắc sai lầm khi lựa chọn sai nhà thầu. Tại dự án nhiệt điện Duyên Hải 3, do tiến độ lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua 900.000 tấn than phục vụ chạy thử bị chậm so với tiến độ dự án, GENCO1 phải sử dụng 272.535 tấn than giá trị 448,898 tỷ đồng từ hợp đồng mua 450.000 tấn than của Công ty nhiệt điện Duyên Hải để phục vụ chạy thử nhà máy, làm tăng chi phí đầu tư của dự án lên hơn 31 tỷ đồng.
Vẫn còn khá sớm để kết luận sai phạm của EVN và GENCO1, nhưng với những việc làm mà hai doanh nghiệp này đang thực hiện thì khó có thể mang đến sự minh bạch. Câu hỏi “Phải chăng EVN và GENCO1 bắt tay với nhà thầu không đủ năng lực để trục lợi ngân sách Quốc gia?” vẫn phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng.
Dư luận quan ngại sâu sắc
Nhiều bạn đọc nhận thấy tính cấp bách của vụ việc, liên tục gửi hàng loạt kiến nghị về Tòa soạn Hợp tác và Phát triển với nội dung: “Mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, đừng để thiệt hại hàng nghìn tỷ rồi mới lục lại hồ sơ thì lúc đó bao nhiêu tiền bạc của Nhà nước đã không cánh mà bay. Tài sản công là ngân sách của Quốc gia, nếu có hành vi trục lợi gây thất thoát sẽ làm mất đi sự tin tưởng của người dân đối với lãnh đạo. Cần xử lý nghiêm minh”.
Đây cũng là những tâm tư mà những người làm báo chúng tôi muốn gửi gắm đến cơ quan chức năng. Việc kết luận đúng hay sai, có lỗi hay không có lỗi là phần việc của cơ quan chức năng. Chỉ mong câu chuyện này không rơi vào im lặng để những khoản tiền khồng lồ của đất nước không bị bốc hơi hoang phí.
Nguồn Hợp tác và Phát triển