Chọn nhà thầu đủ tiêu chuẩn là yếu tố quyết định đến sự thành công của công trình, nhà thầu kém chất lượng sẽ gây thiệt hại kinh tế lại khó giải quyết. Đặt biệt, nếu các công trình quốc gia không may rơi vào tay nhà thầu “dởm” thì kết cục càng khó lường, vỡ trận, thậm chí là hủy hoàn toàn do cắt vốn và việc xử lý hậu quả này kéo dài dai dẳng.
Không hiểu vì sao NRI lại trúng thầu?
Trong bài viết “Điện lực Việt Nam sẽ ra sao nếu tập đoàn EVN hợp tác với nhà thầu không đủ năng lực?”, đăng ngày 13/2, chúng tôi đã đề cặp đến tính bất minh của nhà thầu Noble Resources International Pte Ltd (Noble Singapore, viết tắt NRI). Tuy đang bị thanh tra về tài chính, chứng khoán nhưng lại trúng gói thầu lớn của Tập đoàn EVN.
Theo đó, ngày 19/7/2018, ông Vũ Thanh Tùng –Giám đốc Ban CTI-EVN, ký quyết định mở gói thầu NH2020-VT01 về việc mua than nhập khẩu để vận hành thương mại các nhà máy nhiệt Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Được biết, đây là gói thầu rất quan trong, nhập khẩu 1,2 triệu tấn than để có nguồn nguyên liệu sản xuất cung ứng điện cho khu vực miền Nam. Thật khó hiểu, một công ty đang kiệt quệ về tài chính và đứng trên bờ vực phá sản lại trúng gói thầu lớn này.
Báo cáo kiểm toán của Hiệp hội nhà thầu Singapore cho biết: Trong năm 2017, tổng nợ vay của NRI lên đến 4.102.963.000,0 USD (Bốn tỷ một trăm lẻ hai triệu chín trăm sáu mươi ba nghìn đô la Mỹ). Trong khi tổng tài sản của NRI chỉ là 1.788.863.000,0 USD (Một tỷ bảy trăm tám mươi tám triệu tám trăm sáu mươi ba nghìn đô la Mỹ).
Chưa dừng lại, NRI gần như mất hết khả năng thanh toán khi Uỷ ban chứng khoán Singapore cấm Tập đoàn Noble Group (công ty mẹ) tái cấu trúc, và không đồng ý cho đổi tên thành New Noble. Việc Tập đoàn Noble Group và công ty con NRI cùng lỗ khoản tiền rất lớn trên 4,9 tỷ USD đang làm rúng động thị trường chứng khoán Singapore và buộc phải tái cấu trúc theo yêu cầu của chủ nợ là các ngân hàng.
Một công ty đang vướng một khoản nợ khổng lồ và mất hết khả năng chi trả thì liệu có đủ điều kiện và đủ năng lực tham gia đấu thầu quốc tế. Thông tin xấu về NRI xuất hiện tràn lan trên báo chí, phải chăng Tập đoàn ENV đã nắm được thông tin này nhưng vẫn cố tình “ngó lơ” và ký hợp đồng hợp tác?
Vi phạm luật đấu thầu
Công ty NRI đang vi phạm nghiêm trọng luật đấu thầu quốc tế khi vướng vào rất nhiều chuyện lùm xùm liên quan đến tài chính. Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu quy định: Một trong những điều kiện về tư cách hợp lệ mà nhà thầu phải đáp ứng là không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật. Đây cũng là những điều mà nhà thầu phải cam kết trong hồ sơ đấu thầu.
Trường hợp trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phát hiện nhà thầu gian lận thì có quyền từ chối. Nhưng không ngờ các chuyên gia tài chính hàng đầu của Tập đoàn EVN lại chọn ngay hồ sơ của một công ty đang mắc nợ khủng, chứng khoán đóng băng để hợp tác. Lấy gì đảm bảo là công ty NRI sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu trong lúc nợ lương nhân viên và đơn nghỉ việc chất chồng.
Nhiều nhà thầu Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực và đã trúng các gói thầu của EVN trước đó, nhưng trong gói thầu lần này thì NRI lại trúng “thần kỳ”. Tháng 3/2017 là Liên danh CTCP đầu tư và thương mại DIC – PT SUMBER GLOBAL ENERGY và CTCP Viên Lâm Hà Nội trúng thầu 1.084 tỷ đồng về việc cung cấp than phục vụ chạy thử, nghiệm thu nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Công ty liên danh Hoành Sơn – VSSC Singapore trúng thầu với giá 68,99 triệu USD gói thầu cung cấp than nhập khẩu phục vụ vận hành thương mại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 – đợt 1, được phê duyệt vào tháng 12/2017.
Đáng nói hơn, năm 2020, Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO1), thuộc Tập đoàn EVN, được giao nhiệm vụ tăng 14,7% sản lượng điện so với năm 2019, vì sản lượng hiện tại chưa xứng tầm với công suất của nhà máy. Chính vì thế, GENCO1 không ngần ngại chọn ngay công ty NRI làm đối tác cung cấp than nguyên liệu, vì NRI đã được tập đoàn mẹ EVN bảo đảm từ trước.
Lại thêm một chứng cứ nữa cho thấy, Tập đoàn điện lực Việt Nam đang “nhắm mắt làm ngơ” bắt tay với một nhà thầu kém chất lượng. Những bộ óc tài chính của EVN đã bị qua mặt hay trong bộ hồ sơ của NRI quá hoàn hảo?
Không để những nhà thầu gian lận qua mặt, dẫn đến nhiều “trái đắng” khi dự án bị dở dang, nguồn vốn bị cắt, đơn vị thụ hưởng dự án phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Hiểu được điều đó, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi đến Cục An ninh kinh tế BCA (A04), Chủ tịch Tập đoàn EVN, Tổng giám đốc Tập đoàn EVN, Chủ tịch HĐQT GENCO 1, Tổng giám đốc GENCO1 để mong EVN sớm có câu trả lời.
Chúng tôi có niềm tin rằng cơ quan chức năng Việt Nam luôn minh bạch và sẽ sớm đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Nguồn Hợp tác và Phát triển