Kể câu chuyện nhiều góc khuất, ẩn ức về sự thịnh-suy của một gia đình giàu có, thành công của Nước mắt loài cỏ dại không chỉ bởi dàn diễn viên nhiều thế hệ chất lượng mà còn bởi sự chăm chút, kỹ lưỡng về mặt bối cảnh, hình ảnh.
Quay phim giữa “bão tố”
Tại buổi ra mắt bộ phim Nước mắt loài cỏ dại vào cuối năm 2019, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đã không giấu được sự xúc động khi nói về quá trình thực hiện bộ phim. Anh cho biết, với bối cảnh chính tại Bảo Lộc, thời điểm quay phim đúng vào giai đoạn mùa mưa nên khiến ê-kíp rất vất vả. “Có lúc bão, áp thấp kéo dài nên ê-kíp phải tạm hoãn quay về lại TPHCM và sau đó mới trở lên quay lại” – đạo diễn chia sẻ. Thậm chí, có những ngày sau khi cả đoàn setup xong xuôi toàn bộ, mới quay được 10 phút thì trời đổ mưa, nên tất cả đành ngậm ngùi điệp khúc đợi.
Với toàn bộ ekip, những cảnh khó khăn nhất diễn ra khi quay ở hang động tại Tri Tôn – An Giang. Không chỉ gặp trở ngại về mưa bão mà trục trặc kỹ thuật cũng ảnh hưởng không hề nhỏ. Sự gián đoạn về thời gian quay không chỉ khiến quá trình thực hiện bộ phim bị kéo dài mà còn ảnh hưởng không ít đến tâm lý, cảm xúc cho vai diễn của diễn viên.
Nhưng, trước khi quay phim để có đầy đủ các bối cảnh cho bộ phim cũng là hành trình trần ai của toàn bộ ekip.
Dù ghi hình nhiều nhất tại Bảo Lộc nhưng địa điểm thực hiện Nước mắt loài cỏ dại trải dài tại nhiều địa phương khác nhau. Tri Tôn (An Giang), Bình Dương, Sài Gòn, Đà Lạt… Theo đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, trước khi bấm máy 3 tháng, đoàn phim bắt đầu giai đoạn tiền kì đi khảo sát và chọn bối cảnh. Đi nhiều tỉnh thành khác nhau, riêng lên Đà Lạt đã là hai lần. Khó khăn nhất là làm sao phải tìm cho bằng được được ngôi nhà cổ – ngôi biệt thự chính nơi gia đình bà Hai Đài sinh sống. Bên cạnh đó, bối cảnh ám ảnh nhất bộ phim là Hang Gió để tìm kiếm được cũng không hề đơn giản.
Những tưởng, quá trình tìm bối cảnh đã hoàn tất để set-up cho các ngày quay nhưng với sự khó tính của mình, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường lại liên tục đổi ý: “Ban đầu có rất nhiều bối cánh đã được chọn lựa rồi. Nhưng khi bắt đầu quay do thời tiết, ánh sáng Cường cảm thấy chưa ưng ý nên bắt đầu tiếp tục đi tìm lại bối cảnh”.
Dự kiến ban đầu phim quay trong khoảng 2,5 tháng nhưng cuối cùng, đến thời điểm đóng máy quá trình quay kéo dài trong gần 5 tháng.
Chăm chút từng chi tiết nhỏ
Ngay từ phân cảnh đầu tiên khi cậu bé Khang lò dò ở cửa hang tối và thất kinh khi thấy bóng người phụ nữ mặc váy đỏ, Nước mắt loài cỏ dại đã khiến người xem có phần lạnh xương sống. Hang Gió – nơi chôn cất mộ phần bà Hai Đài được xem là bối cảnh ám ảnh nhất của bộ phim. Có những bậc thang phủ rêu phong dẫn lối vào, lại có những tảng đá lớn nằm xen kẽ và không gian vừa đủ tối, vừa chỉ le lói vài ánh sáng vào ban ngày.
Mặc dù tìm được bối cảnh ở ngoài khá ưng ý nhưng khi lên phim để tạo cảm giác rờn rợn, ekip vẫn phải gia cố thêm rất nhiều, từ việc dựng ngôi mộ giả, thiết kế ánh sáng vừa ảo vừa thực, tạo khói giả. Đặc biệt, với truyền thuyết Hang Gió có loài dơi hút máu người, việc chuẩn bị đạo cụ đặc biệt này cũng cho thấy sự tâm huyết và chỉn chu của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường. NSUT Hạnh Thúy – người đảm nhận vai quản gia câm trong phim đã có kỷ niệm nhớ đời: “Có một kỷ niệm mà Thuý nhớ đến giờ, hiện tại nhắc đến nó Thuý vẫn cảm thấy run và sợ hãi. Đó là phân đoạn quay với một con dơi, phải cầm nó diễn chung với nó và yêu thương nó.. Bản thân Thuý là một người rất sợ dơi, nên khi được đạo diễn thêm thắt cho phân đoạn đó Thuý rất sợ và hoảng hồn. Nhưng vì con dơi là một trong những mấu chốt của câu chuyện, chính vì thế Thuý đã lấy hết can đảm vượt lên chính mình, vượt lên nỗi sợ hãi để quay với nó. Khi quay xong, Thuý rất sợ không dám ăn uống gì cả”. Hang Gió càng về sau càng xuất hiện nhiều trong các phân đoạn quan trọng của bộ phim và đã phát huy tác dụng rất lớn về mặt thị giác cho người xem.
Đối lập với Hang Gió, phần ngoại cảnh ở Bảo Lộc và Đà Lạt lại khiến khán giả say mê. Những đồi chè bạt ngàn, thác nước hiền hòa hay những con đường thơ mộng… là chất xúc tác khiến tình yêu của Thảo, của Khang và của Hường thêm thăng hoa. Ekip đoàn phim tận dụng khá nhiều những cảnh quay flycam vừa tạo không gian rộng lớn, vừa cho thấy sự giàu có của gia đình bà Hai Đài. Vốn có lợi thế được đào tạo về mặt hình ảnh nên đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đã phát huy tối đa những khung hình đầy tính duy mỹ và không hề thua kém phim điện ảnh.
Nước mắt loài cỏ dại cũng là bộ phim có bối cảnh đa dạng do đó, khó khăn dành cho ekip càng lớn. Có ít nhất 5 ngôi nhà thường xuyên xuất hiện trong bộ phim. Đầu tiên là ngôi biệt thự của bà Hai Đài. Thứ hai là ngôi nhà khang trang mà gia đình ông Minh bà Phương ở khi còn ở Sài Gòn. Thứ ba, là ngôi nhà của mẹ con Kiều trước khi dọn về sống chung với cả gia đình. Thứ tư, ngôi nhà của Trọng – người yêu của Thảo. Và cuối cùng, là ngôi nhà của Hường. Bên cạnh đó, còn có căn nhà giữa đồi chè mà ông Lăng – anh họ bà Phương ở hay nhiều bối cảnh: quán café, quán nhậu… Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường tiết lộ, vì bối cảnh thường không có đủ đồ nên thách thức đặt ra cho tổ thiết kế là không đơn giản. Làm thế nào để có có các đạo cụ hoàn chỉnh cho từng bối cảnh khác nhau là câu hỏi đau đáu cho cả ekip sản xuất. Bên cạnh đó, vì bối cảnh phim diễn ra vào thập niên 90 của thế kỷ trước nên khó khăn càng lớn hơn gấp bội. Cuối cùng, trách nhiệm được giao trọn trên vai tổ thiết kế, đạo cụ và chế tác.
Quá trình tiền kỳ và quay phim đã vất vả, để có những khung hình “nhuốm màu thời gian” phần chỉnh màu cũng đặt ra nhiều thách thức cho ekip. “Đối với phim này tôi mất thời gian nhiều nhất với việc chỉnh màu và hậu kì. Để yên tâm, tôi là người tự chuốt, chỉnh màu luôn” – đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chia sẻ. Điều đó cho thấy sự chỉn chu, kỹ tính và kỹ lưỡng của đạo diễn với mong muốn mang đến cho khán giả những thước phim chân thật, giàu cảm xúc.
Phim Nước mắt loài cỏ dại đang phát sóng những tập cuối cùng vào lúc 14H thứ 7, chủ nhật hàng tuần trên VTV3.
Anh Vũ