Theo Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, việc giới trẻ thần tượng quá mức các nghệ sĩ Hàn Quốc dẫn đến việc hôn ghế mà thần tượng từng ngồi, đó là biểu hiện của việc lệch lạc trong cuộc sống thường ngày, không có mối liên hệ mật thiết và sự giáo dục đúng đắn từ phía gia đình.
Talkshow Chuyện Cuối Tuần, chủ đề “Lệch lạc xu hướng thần tượng ở giới trẻ” phát sóng lúc 21h35 thứ bảy ngày 4/1/2020 trên kênh VTV9. Khách mời đặc biệt tham gia Chuyện Cuối Tuần là Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A.
Trailer Chuyện Cuối Tuần “Lệch lạc xu hướng thần tượng ở giới trẻ”:
Tham gia chương trình, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A cho biết, thần tượng một ai đó không phải là việc xấu, mà ngược lại, khi đám đông thần tượng một nghệ sĩ nào đó, nếu người đó làm tốt công tác giáo dục, biết định hướng cho giới trẻ thì rất tốt, sẽ thuyết phục được các bạn trẻ, giúp giới trẻ hướng tới những điều tốt đẹp.
Nói về việc thần tượng, theo Tô Nhi A, không phải hiện nay giới trẻ mới có xu hướng thần tượng một ai đó, mà ngay từ xưa, thế hệ trước như cha mẹ cô cũng có xu hướng này. Ngày trước, mọi người thường bị ảnh hưởng bởi văn học Nga hay văn học Trung Quốc, nên hay thần tượng các nhân vật trong truyện. Ngay bản thân bố mẹ Tô Nhi A cũng rất thần tượng nhân vật trong tiểu thuyết Thép dã tôi thế đấy của văn hào Nga Nikolai A.Ostrovsky và đặt tên con gái theo nhân vật. Ở quê của Tô Nhi A, rất nhiều mẹ, nhiều bà cũng thần tượng các nghệ sĩ cải lương như Minh Vương, Lệ Thủy, Kim Tử Long, Thanh Kim Huệ… Mỗi khi có các nghệ sĩ về biểu diễn, dân làng thường đốt đuốc đi coi, thậm chí có người còn đi bộ 30 cây số để gặp thần tượng:
“Ngày xưa mọi người thần tượng các nhân vật văn học đến mức mang cả con ra đặt tên, rồi viết vào sổ tay. Như vậy, việc thần tượng chỉ khác ngày nay về hành vi. Ngoài ra, do không có cơ hội họp fan, tham gia các hội nhóm nên việc thần tượng không nở rộ như hiện nay. Nhưng tôi cũng chứng kiến nhiều fan cuồng ngày xưa vượt 30 cây số lên Sài Gòn, bắt xích lô đến nhà một nghệ sĩ cải lương xin áo bà ba” – Tô Nhi A cho biết.
Clip “Fan cuồng” ngày xưa đốt đuốc, đi bộ 30 cây số để gặp thần tượng:
Về việc giới trẻ ngày nay thần tượng các ngôi sao giải trí Hàn Quốc quá mức, theo thạc sĩ Tô Nhi A, đó là do sự phát triển của internet, các phương tiện nghe nhìn được phát triển tối đa với tốc độ chóng mặt, không thể kiểm soát, vì thế, giới trẻ có cơ hội bày tỏ sự hâm mộ. Bên cạnh đó cũng là do gia đình các em thiếu sự định hướng, giáo dục cần thiết. Đỉnh điểm của việc giới trẻ thần tượng các nghệ sĩ Hàn đến mức có hiện tượng hôn lên chiếc ghế mà thần tượng ngồi. Thạc sĩ Tô Nhi A lý giải:
“Nếu bạn trẻ đó được nuôi dưỡng trong gia đình có mối liên kết lành mạnh, được trao đổi với phụ huynh và được phụ huynh lắng nghe, và nếu bạn đó có đời sống tinh thần phong phú, đủ đầy thì chắc chắn không có hành vi đó.
Hành động phát cuồng vì thần tượng đó chỉ xảy ra ở những bạn trẻ có cuộc sống bị mất cân bằng, dành phần lớn thời gian trong ngày 22/24h cho thần tượng, hầu như không có sự níu kéo từ gia đình hay mối quan hệ với người thân, bạn bè. Thường là bạn trẻ đó không cân bằng được cuộc sống giữa thực tại và cuộc sống trong thế giới ảo. Việc được chạm vào chiếc ghế thần tượng ngồi mà cảm thấy thỏa mãn đến mức phải hôn chiếc ghế đó chứng tỏ bạn trẻ đó là nạn nhân của cuộc sống thiếu lành mạnh”.
Clip Lý giải việc “Fan cuồng” hôn lên ghế thần tượng từng ngồi:
Ở nước ngoài, theo Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, hiện tượng phát cuồng vì thần tượng cũng xảy ra. Như ở Hàn Quốc, Mỹ, có nhiều bạn trẻ bám sát thần tượng đến mức cảnh sát phải can thiệp, thậm chí nhiều ngôi sao còn phải chạy trốn trước sự theo dõi của các fan. Tuy nhiên, tùy theo mỗi người sẽ có những hành vi khác nhau. Có những người cảm thấy cô đơn với thực tại thì trở thành “fan cuồng” của một nghệ sĩ nào đó, còn lại, hầu như giới trẻ đều thần tượng một ai đó, tuy nhiên, không đến mức độ khó kiểm soát.
Cũng theo thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, việc giới trẻ thần tượng một ai đó là bình thường: “Chỉ khi không thần tượng ai thì mới phải lo sợ”. Bên cạnh đó, xu hướng thần tượng của giới trẻ cũng thay đổi rất nhanh, khi có một cái gì đó mới thì giới trẻ lại chạy theo ngay lập tức và bỏ quên những xu hướng cũ. Bản thân thạc sĩ Tô Nhi A từng tiếp xúc với một ca sĩ trẻ bị trầm cảm vì vốn là thần tượng của nhiều bạn trẻ, tuy nhiên, khi giới trẻ không còn hâm mộ và chuyển sang thần tượng người khác, thích những ca khúc hit khác, ca sĩ đó cảm thấy hẫng hụt và rơi vào trạng thái trầm cảm. Do đó, Tô Nhi A gửi lời khuyên đến các bậc phụ huynh là hãy thật bình tĩnh, không cần phải quá lo lắng trước việc con em mình thần tượng một ai đó: “Những “cơn” hâm mộ đó sẽ qua và tụi nhỏ sẽ lớn, rồi chúng sẽ nhận biết được những điều mới tốt đẹp”.
Clip ca sĩ trẻ nổi tiếng bị trầm cảm vì không còn là thần tượng của giới trẻ:
Nói về hiện tượng Khá Bảnh từng gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua, Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A cho biết, cô từng tổ chức thăm dò các bạn trẻ ở một ngôi trường cấp ba và thấy rằng 90% học sinh ở đó biết đến Khá Bảnh. Khi được hỏi có bao nhiêu người ủng hộ hành động của Khá Bảnh thì không ai giơ tay. Tuy nhiên, có khoảng 30% là cảm thấy thú vị trước các clip của Khá Bảnh. Lý do đưa ra là các bạn trẻ cảm thấy cách ăn nói, hành động múa quạt đó “hay hay”: “Như vậy vẫn có 10% giới trẻ không biết Khá Bảnh. Cũng không ai ủng hộ hành động của Khá Bảnh mà chỉ là thích xem vì các hành vi của Khá Bảnh gây cười mà thôi”.
Cuối cùng, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A cho biết, việc giới trẻ thần tượng một ai đó chỉ là một trong các quá trình phát triển bình thường. Vì thế, người lớn không cần phải quá lo lắng, điều quan trọng là nên định hướng cho con mình thần tượng những nghệ sĩ có hành động tốt, giúp ích cho cộng đồng. Đặc biệt, không nên diễu cợt, chê bai thần tượng của giới trẻ vì sẽ khiến các em bị tổn thương dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Chuyện Cuối Tuần chủ đề “Lệch lạc xu hướng thần tượng ở giới trẻ” với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A sẽ được phát sóng vào 21:35 thứ bảy ngày 4/1/2020 trên kênh VTV9.
Lê Anh