Hơn 1 năm kể từ lần đối thoại đầu tiên, sáng 10/12, tại thành phố Cần Thơ, thủ phủ của Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần thứ 2 có cuộc đối thoại, lắng nghe và giải đáp thắc mắc của người nông dân.
Sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản.”
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Hội Nông dân Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và đặc biệt là sự có mặt của hơn 300 đại biểu nông dân đến từ các địa phương cả nước – đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.
Hơn 2.000 câu hỏi
Qua hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ nhất ở Hải Dương (4/2018) đã tạo động lực tinh thần cho nông dân, cổ vũ động viên người nông dân tự lực tự cường, tăng cường hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tiếp tục vượt qua khó khăn và đạt được kết quả ngày một cao.
Theo Ban tổ chức, trước thềm Hội nghị đối thoại lần thứ 2, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia… được gửi đến Thủ tướng qua nhiều kênh tiếp nhận khác nhau.
Tăng cường ứng dụng công nghệ cao
Là người đặt câu hỏi đầu tiên, nông dân Trần Công Danh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đặt vấn đề, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ngay việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa thực hiện?
Được Thủ tướng ủy quyền trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ đã ứng dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Trung tâm tin học của Bộ hàng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, trong yêu cầu thích ứng với thay đổi rất nhanh của thị trường thì như vậy là chưa đủ. Hiện Bộ đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I năm 2020 để triển khai ngay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi hơn, nhanh hơn trên trang web của Bộ.
Cho ý kiến thêm về chủ đề ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị người nông dân tăng cường sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tìm hiểu thị trường; coi đây là một thiết bị thiết yếu ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trong thời đại công nghệ thông tin.
Nông dân Ngô Hùng Thắng, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, tác giả hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại Smart Viet HT- 8917) đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ nông dân phát triển những dự án công nghệ cao. Được Thủ tướng chỉ định trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, “nếu có sáng kiến thì chúng tôi cũng sẽ luôn song hành với bà con.”
Bộ trưởng hướng dẫn thêm, để đưa sáng chế vào thực tiễn, phải có đối tác, nông dân chủ động thiết kế rồi nhưng phải có đơn vị hỗ trợ đổi mới công nghệ, cùng với đó là bảo hộ sở hữu trí tuệ; có chính sách hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, từ ưu đãi thuế, vốn, đất đai, nhà xưởng, gần như là một doanh nghiệp công nghệ cao.
Tăng cường hỗ trợ ngành chăn nuôi
Lo lắng về ngành chăn nuôi, nông dân Nguyễn Trí Công (Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai) đặt câu hỏi Chính phủ sẽ có những chính sách đột phá gì để ưu tiên, hỗ trợ ngành chăn nuôi, người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là trong bối cảnh rủi ro nhiều dịch bệnh như hiện nay?
Thông tin về vấn đề này, đồng thời trả lời câu hỏi của nông dân Quách Thanh Sử, tỉnh Cà Mau, về khó khăn của ngành nuôi tôm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, chăn nuôi là lĩnh vực chiếm vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp.
Chính phủ đã giao Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xây dựng kế hoạch tổng thể và kịch bản phòng, chống bệnh dịch với nhiều tình huống khác các cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể và từng giai đoạn.
Cụ thể: Hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn thịt (khoảng 70% giá thành sản xuất); hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn giống; 500.000 đồng/con lợn giống cụ kỵ, ông bà. Về chăn nuôi tôm, ông Tuấn cho biết, Chính phủ đã có chính sách phát triển tôm thịt. Bộ đã có 2 quyết định về hỗ trợ giống trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp.
Lưu ý về chủ trương với ngành tôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các địa phương phải làm tốt khâu lập, hoàn thiện quy hoạch nuôi tôm trên cơ sở tham khảo tư vấn của các chuyên gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng cũng cho biết, hiện ngành nuôi tôm trong nước đã đảm bảo cung cấp đủ giống và thậm chí xuất khẩu tôm giống sang các nước khác.
Tiếp tục đấu tranh với tín dụng đen
Trả lời câu hỏi của nông dân Nguyễn Ngọc Đãi (Bình Thuận) về vấn đề tín dụng đen ở nông thôn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước chủ trương đẩy mạnh nguồn tín dụng chính thức để tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người nông dân, qua đó giảm sự phát triển của tín dụng đen.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các chính sách cho vay tiêu dùng tại vùng nông thôn, giải quyết tốt vấn đề cho vay tiếp cận giống, thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang triển khai thí điểm chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa cho vay người nghèo và cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý.
Khát vọng vươn lên
Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần, khát vọng vươn lên của người nông dân Việt Nam.
Nhắc đến một vận động viên tiêu biểu về nghị lực vươn lên trên quê hương Đồng bằng Sông Cửu Long là Nguyễn Thị Ánh Viên với thành tích đoạt 6 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc tại SEA Games 30, Thủ tướng cũng bày tỏ cảm động khi nhận được lá thư của giáo sư Võ Tòng Xuân và nhiều nhà khoa học với mong muốn cùng đóng góp cho sự phát triển của nông dân và ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu các nội dung của hội nghị, các ý kiến của người nông dân và giao cho các bộ, ngành liên quan đề xuất các biện pháp giải quyết. Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về sản phẩm, sản lượng lương thực và không ngừng nâng cao đời sống người nông dân.
Từ một nước thiếu ăn, ngày nay Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, giá trị xuất khẩu nông nghiệp trên 40 tỷ USD với hàng chục mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Kiến tạo chuỗi giá trị nông sản
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, Hội nghị lần này đã cho thấy những bất cập trong ngành nông nghiệp, nông thôn cần sớm được khắc phục, tháo gỡ. Nhấn mạnh đến chủ đề của hội nghị:
“Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản,” Thủ tướng đánh giá, câu hỏi của các đại biểu nông dân bày tỏ băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có việc ứng dụng công nghệ; việc quy hoạch vùng nuôi; phát triển, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ ngành chăn nuôi…trong mối liên kết 6 nhà và phát huy hơn nữa vai trò các hiệp hội, ngành nghề.
Cùng với đó là cơ chế kiểm soát, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; vấn đề bảo vệ môi trường, tích tụ ruộng đất; việc khắc phục tình trạng được mùa, rớt giá, thiếu thông tin… Hội nghị khẳng định, khâu chế biến là lối ra cho ngành nông nghiệp.
Cùng với đó là phát triển hạ tầng, tăng cường nguồn lực phòng chống thiên tai, quy hoạch chăn nuôi… cũng là những ưu tiên cần tập trung giải quyết. Trong kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam cần có thông tin rõ ràng hơn trên trang website của bộ, ngành về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra.
Đặc biệt, cần thông tin về các cơ chế hỗ trợ; thông tin về vốn, giống, các nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp… là những vấn đề bà con rất quan tâm. Các bộ, ngành cũng cần thông tin rõ những vấn đề về an toàn thực phẩm, những loại vật tư, hóa chất nào được sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi; những cảnh báo dịch bệnh ở nông thôn, vấn đề môi trường; những tiêu chuẩn cần thiết cho sản phẩm xuất khẩu; kế hoạch sản xuất lúa hàng năm…
Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan cần chủ động rà soát, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn ở nông thôn; hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử để tiêu thụ, dự báo và giải quyết nhiều vấn đề khác trong sản xuất, tiêu thụ; tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp trong nông dân.
Cần một lớp nông dân đổi mới
Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn; tăng cường hướng dẫn bà con sản xuất theo chuỗi trong ngành nông nghiệp.
Đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; tiếp tục theo dõi, xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành; tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường liên kết vùng trong sản xuất… Thủ tướng đặt vấn đề, đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới.
Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức khoa học và công nghệ, kiến thức thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng trao quà cho các đại biểu là nông dân tiêu biểu dự hội nghị. Nhân dịp về thăm và làm việc tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm một số mô hình kinh doanh giỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn.
Theo Chinhphu
Địa ốc Kim Oanh: Lùm xùm kiện tụng do trúng đấu giá nhưng chậm thanh toán