Dù kinh tế có nhiều chuyển biến tốt trong thời gian qua, tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn ám ảnh về suy thoái kinh tế.
Hai mối quan tâm hàng đầu của người Việt là công việc và sức khoẻ, theo ghi nhận của Nielsen. Các yếu tố này đã tăng lần lượt 3 và 1 điểm % trong quý 2, đạt 46% và 42%. Bên cạnh những nhân tố thiết thân, người dân cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình kinh tế quốc gia, với mức 22% người trả lời cho biết. Dù vậy, so với quý I/2018, tỷ lệ này có giảm 1 điểm %.
Theo Nielsen, mặc dù kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian trở lại đây, tuy nhiên, suy nghĩ về suy thoái kinh tế của người tiêu dùng Việt vẫn tiếp tục ở mức cao. Theo đó, 48% người được hỏi cho rằng đất nước vẫn đang trong thời kỳ suy thoái.
“Nhiều người vẫn tin rằng đất nước vẫn đang trong tình trạng suy thoái và đây không phải là thời điểm tốt để chi tiêu, cho chúng ta thấy vẫn đang có những vấn đề xã hội khác có thể khiến họ giảm sự lạc quan về một cuộc sống tốt hơn mà họ mong muốn có được”, bà Nguyễn Hương Quỳnh – Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam nhận xét.
Đại diện Nielsen nói thêm rằng mặc dù không có chỉ số kinh tế nào cho thấy Việt Nam đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, nhưng người tiêu dùng vẫn tiếp tục tin rằng tình hình hiện tại không thực sự tích cực và tương lai vẫn chưa được xác định chắc chắn.
Hệ quả, suy nghĩ và nhận định này có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc chi tiêu và tiết kiệm của người tiêu dùng.
Trong quý II cũng ghi nhận chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt đã giảm 4 điểm so với quý trước. Với kết quả đó, Việt Nam đã tụt 1 hạng, trở thành nước thứ 5 lạc quan toàn cầu.
Dù vậy, ở khía cạnh tươi sáng hơn, khảo sát cho thấy gần 5 trong số 10 người được hỏi cảm thấy tích cực về việc quốc gia sẽ thoát khỏi suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới. Tỷ lệ này cao hơn 8 điểm % so với quý trước, chỉ đạt 38%.
Theo Trí thức trẻ-Cafef