Về trang chủ Chưa được phân loại Tổng cục Thuế: Kinh doanh online không phải vô hình trên mạng

Tổng cục Thuế: Kinh doanh online không phải vô hình trên mạng

Đại diện ngành thuế cho rằng, những cá nhân kinh doanh online không phải vô hình trên mạng. Tuy vậy, để quản lý với những đối tượng này, ngành thuế cần sự phối hợp của nhiều đơn vị các ngành khác nhau.

Bà Tạ Thị Phương Lan -Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế đã có cuộc trao đổi với báo chí chiều 14/6 sâu hơn về vấn đề này.

-Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp ngành thuế quản lý với những đối tượng kinh doanh online ra sao, thưa bà?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Chúng tôi cũng mong chờ luật để quản lý hình thức kinh doanh online. Bởi, để làm được điều này không chỉ mình ngành thuế mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp, tổ chức,… Tất nhiên, để triển khai việc này còn khó khăn, ví dụ như ngành ngân hàng phải thay đổi quy trình quản lý để cung cấp thông tin cho ngành thuế. Điều này cần phải tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Những cá nhân kinh doanh online không phải vô hình trên mạng, để quản lý với những đối tượng này, ngành thuế cần sự phối hợp của nhiều đơn vị các ngành khác nhau.

-Tuy nhiên, vẫn có lo lắng là việc thanh toán tiền mặt trong mua bán online khiến việc quản lý thuế rất khó khăn. Thưa bà, ngành thuế có giải pháp gì không?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Không chỉ quản lý các cá nhân kinh doanh online, ngay cả với các doanh nghiệp, cơ quan thuế vẫn phải đối mặt với việc mua bán bằng tiền mặt, những trường hợp này không xuất hóa đơn. Tuy nhiên, với các trường hợp này, cơ quan chức năng quản lý theo hình thức dòng tiền, nguồn tiền và các thông tin liên quan để xác định quy mô, hình thức kinh doanh và ấn định thuế.

Tức là, ta không thể đi theo quản lý từng đồng chi tiêu nhưng ta có cách quản lý. Cơ quan thuế hiện có cơ sở dữ liệu, ví dụ những người kinh doanh online họ vẫn có gì đó đó bên ngoài như kho hàng, địa điểm kinh doanh,… Với nhiều trường hợp, kinh doanh online chỉ là một trong các kênh bán hàng.

Chúng tôi vẫn đang quản lý với những đối tượng như vậy. Họ không phải vô hình trên mạng. Ngoài ra, hiện tại cơ quan chức năng đang triển khai hóa đơn điện tử. Đó cũng là một kênh để quản lý. Vì thế, không phải họ cứ dùng tiền mặt là ta không quản lý được.

-Bà có thể cho biết, hiện đã có bao nhiêu cá nhân kinh doanh online đã kê khai thuế?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Chúng tôi không chia nhóm như vậy. Số liệu cá nhân kinh doanh online thì có thể phải lấy số liệu bên Bộ Công Thương. Bộ Công Thương có quy định việc cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải đăng ký. Chúng tôi không nắm được cụ thể. Còn với đăng ký thuế, việc này được thực hiện theo ngành nghề, ví dụ như bán lẻ thời trang, chứ không có ngành nào là kinh doanh online.

-Luật Quản lý thuế sửa đổi có quản lý được những đối tượng trong nước phát sinh thu nhập chi trả từ Google, Facebook không thưa bà?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Luật đã gắn trách nhiệm các ngân hàng thương mại, các tổ chức như Facebook, Goolge nếu đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện tại, chính thức thì những đơn vị này không có chi nhánh, văn phòng nhưng rõ ràng, họ thông qua các tổ chức, doanh nghiệp để điều hành. Đó là điều chúng ta đã biết và sẽ có giải pháp để khấu trừ thuế qua việc phối hợp giữa ngân hàng và ngành thuế.
Theo Vietnamplus

Trung Quốc: Cảnh báo sinh viên cẩn trọng khi xin học tại Mỹ

Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Kêu gọi trẻ em, phụ nữ mang thai xét nghiệm

Có thể bạn quan tâm