Về trang chủ Chưa được phân loại Già hóa dân số: Mối hiểm họa toàn cầu.

Già hóa dân số: Mối hiểm họa toàn cầu.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các thành viên thuộc G20 – nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới với 19 quốc gia và Liên minh châu Âu – thừa nhận già hóa dân số đang trở thành mối đe dọa toàn cầu.

Với lợi thế là nước chủ nhà G20 năm nay, Nhật Bản – quốc gia nổi tiếng với tỉ lệ người già hàng đầu thế giới – đưa những vấn đề kinh tế liên quan đến già hóa và thu hẹp tỉ lệ sinh ra thảo luận tại G20 cấp bộ trưởng hôm 9-6.

Ác mộng” lương hưu
Một số ý kiến cho rằng thông điệp được các bộ trưởng G20 phát đi mang tính cục bộ nếu không muốn nói chỉ là vấn đề của riêng một số nước. Bởi lẽ G20 là một tập hợp các quốc gia với nhân khẩu học và trình độ phát triển hoàn toàn khác nhau, từ một Nhật Bản với dân số đang già đi nhanh chóng đến Saudi Arabia – chủ tịch G20 năm tới – với một xã hội toàn những người trẻ.

Bà Mikiko Kuzuno, 78 tuổi, làm việc tại một tiệm giặt hấp ở tỉnh Saitama đã được 3 năm vì không muốn phụ thuộc vào con gái và muốn được lãnh nhiều tiền lương hưu hơn sau 70 tuổi – Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết nước này mong muốn truyền tải thông điệp mang tính cảnh báo: “Điều chúng tôi muốn nói là nếu vấn đề lão hóa bắt đầu cho thấy tác động của nó trước khi bạn trở nên giàu có, bạn sẽ thực sự không thể có biện pháp hiệu quả chống lại nó sau đó”.

Nhật Bản, nền kinh tế số 3 thế giới, rõ ràng đang rất muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc đối phó với nạn già hóa dân số. Việc Tokyo đưa vấn đề này vào thảo luận tại G20 là hồi chuông cảnh báo các quốc gia phải sẵn sàng hành động trước khi già hóa dân số bắt đầu gây áp lực cho nền kinh tế.

Một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản vừa được công bố đầu tháng 6 đã thừa nhận hệ thống lương hưu công cộng của nước này sẽ quá tải và không thể đảm bảo mức sống ổn định cho người dân nếu số người già tiếp tục gia tăng. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa vừa kết thúc hồi tháng 3.

Theo ước tính, nếu một cặp vợ chồng Nhật Bản sống đến 95 tuổi, họ sẽ cần nhiều hơn ít nhất 20 triệu yen (gần 185.000 USD) so với tiền lương hưu được chính phủ chi trả. Áp lực còn lớn hơn với những người già sống độc thân, nhận lương hưu một lần và không được sự hỗ trợ từ con cháu hay các thành viên trong gia đình.

Mặc dù được khuyến khích trì hoãn nhận lương hưu đến tuổi 70 để được cộng thêm 40% lương hưu, nhưng chỉ 1% người già Nhật Bản đủ khả năng làm điều đó, theo báo Japan Times.

Trong những năm gần đây, tiền hưu trí cho những người có bằng đại học trung bình khoảng 20 triệu yen, giảm 30-40% so với mức cao nhất. Một tỉ lệ không nhỏ người già đang sống trong cảnh nghèo đói ở Nhật Bản cho thấy tình trạng thiếu hụt việc làm dành cho người già tại nền kinh tế số 3 thế giới.

“Sóng thần” màu xám ở Nhật
Để giảm áp lực với hệ thống lương hưu và “giúp người dân có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tuổi nghỉ hưu lên 65, thậm chí 68 tuổi. Các công ty được khuyến khích xóa độ tuổi nghỉ hưu để tiếp tục sử dụng lao động cao tuổi. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ.

Với lực lượng lao động đang thu hẹp nhanh chóng, Nhật Bản đang phải vật lộn để tìm cách trang trải chi phí lương hưu quốc gia. Điều này đã khiến nhiều người cao tuổi lo sợ quyền lợi của họ sẽ bị cắt giảm, trong khi những người trẻ lo lắng lương hưu có thể không tồn tại vào thời điểm họ nghỉ hưu.

Già hóa dân số đã trở thành vấn đề rất thật ở Nhật Bản đến nỗi chính phủ không thể giải quyết bằng các chính sách vĩ mô mà phải đi vào từng cái nhỏ. Chẳng hạn, để khuyến khích người già có thêm tiền trang trải cuộc sống sau khi về hưu, chính phủ đang phải đau đầu suy nghĩ tạo ra việc làm cho những người già.

Quan trọng hơn, họ phải thay đổi được suy nghĩ của người cao tuổi rằng đã tới lúc nghỉ ngơi sau hàng chục năm làm việc cật lực, và thuyết phục giới chủ chấp nhận những lao động cao tuổi trong một nền kinh tế đòi hỏi năng suất cao.

Ai cũng hiểu khi đến tuổi già, khả năng chấp nhận rủi ro của con người sẽ giảm đi. Do đó sẽ thật khó nếu chính phủ kêu gọi người cao tuổi bỏ tiền cho các dự án đầu tư kiếm lời nếu họ không biến việc đi làm ở tuổi 70 trở thành một thực tế phổ biến.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tuổi thọ dài hơn và tỉ lệ sinh giảm, đặc biệt là ở các quốc gia giàu có, đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng dân số cao tuổi ở một số quốc gia như Tây Ban Nha, Ý và Hàn Quốc.
Theo TTO

Trao đổi thân xác ở Cannes: Đập tan điều cấm kỵ

Trung Quốc: Cảnh báo sinh viên cẩn trọng khi xin học tại Mỹ

Có thể bạn quan tâm