Từ một đội bóng không được đánh giá cao, U23 Việt Nam bỗng trở nên đáng học hỏi trong mắt người Trung Quốc.
Tại VCK U23 châu Á trên đất Trung Quốc, U23 Việt Nam tạo nên một hành trình lịch sử khi lọt vào chung kết. Đến Asiad 2018, đoàn quân áo đỏ một lần nữa khiến cả châu lục phải nhìn bằng ánh mắt khác với việc giành vị trí thứ tư chung cuộc.
Những bước tiến của U23 Việt Nam tác động rất lớn đến truyền thông và người hâm mộ Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới đầu tư rất mạnh mẽ vào bóng đá, nhưng 8 tháng qua họ luôn phải đặt câu hỏi tại sao Việt Nam lại làm được những điều đặc biệt như thế.
Tờ Sina mới đây đã đưa ra 3 điều mà bóng đá Trung Quốc nên học hỏi từ U23 Việt Nam, rút ra sau giải U23 châu Á và Asiad 2018.
1.Tinh thần đồng đội
Bóng đá khác hẳn với bóng bàn. Bóng bàn là một thể thao thiên về cá nhân, trong khi bóng đá là cả một hệ thống. Người chơi bóng bàn có thể tự do làm đủ mọi thứ với trái bóng. Nhưng trong bóng đá, bạn phải phối hợp với đồng đội, chuyền bóng, nhận bóng…
Bóng đá Trung Quốc bị vướng vào lối tư duy cá nhân như đánh bóng bàn. Nếu bạn nhìn cách U23 Việt Nam chơi đồng đội và so sánh với sự rời rạc của U23 Trung Quốc, bạn sẽ thấy câu trả lời.
2.Bản sắc
Thua thiệt về thể hình, bóng đá Việt Nam cố gắng xây dựng lối chơi phù hợp nhất, tận dụng tốt nhất có thể những phẩm chất của cầu thủ. Bóng đá Trung Quốc có gì? Suốt nhiều năm trời, các bài học không được rút ra, nền bóng đá cũng thiếu đi bản sắc. Nếu không xây dựng được bản sắc riêng, sẽ không có sức mạnh trong nền bóng đá Trung Quốc.
3.Đào tạo trẻ
LĐBĐ Trung Quốc mời những HLV giỏi nhất về cầm quân. Các CLB đốt hàng đống tiền chiêu mộ các ngôi sao. Bóng đá trẻ đã được đầu tư hơn, nhưng các tài năng trẻ thường phải chín ép.
Các đội bóng muốn đốt cháy giai đoạn, nắm lấy thành công mà không mất thời gian. Sự thiếu kiên nhẫn từ CLB tạo áp lực quá lớn lên các cầu thủ trẻ.
Trong khi đó, người Việt Nam chú trọng và biết cách đào tạo trẻ. Họ đầu tư chưa đến mức khủng, nhưng hiệu quả thì rất rõ ràng.
Theo Sina-Domino-Trí thức trẻ-Cafef