Đã 5 ngày trôi qua, bà Nguyễn Thị Lục (51 tuổi), trú xóm Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhớ lại cảnh nước sông hung dữ ngoạm từng mảng đất phía sau nhà.
Tối 27/7, đang làm sổ sách trong nhà, bà nghe tiếng động từ phía sau (sát sông). Người phụ nữ ra xem thì thấy một phần bờ tường rào bao quanh đổ ập xuống sông, sóng nước cuồn cuộn. Phần còn lại bị nứt hơn 10 cm. Ngay sau đó gia đình báo chính quyền địa phương đến nắm tình hình.
Nhà bà Lục (áo cộc tay) bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ cuốn trôi nhà. Ảnh: Phạm Hòa. |
Sạt lở nhà trong đêm
Khoảng 14h30 ngày 29/7 sạt lở mạnh diễn ra, bờ tường bao bị sập rơi xuống mép sông, giàn mái bị lún sập một góc xuống dưới sâu. Đến 20h ngày 29/7, gia đình bà Lục sợ quá nhờ người dân, chính quyền đến hỗ trợ gia đình di chuyển đồ đạc.
Theo quan sát, các bụi tre chắn sóng phía sau nhà và các hộ dân lân cận đã bị lún và kéo ra xa. Tường nhà đã xuất hiện vết nứt sau đợt sạt lở chiều ngày 29/7, đất bị cuốn trôi đi rất nhiều.
Cạnh đó, gia đình chị Hoàng Thị Oanh cũng bị sạt lở sâu vào khu vực vườn nhà.
“Ngôi nhà của gia đình tôi giờ chỉ còn khoảng 20 m tính từ phía mặt đường quốc lộ 48. Nếu tình trạng sạt lở này còn tiếp diễn thì nguy cơ sông nuốt nhà là rất cao”, chị cho hay.
Một phần mái nhà phía sau đã đổ ụp xuống sông. Ảnh: Phạm Hòa. |
Theo ông Trần Huy Lạc, Trưởng bản Minh Tiến, 22 hộ dân dọc bờ sông Hiếu bị ảnh hưởng. Chính quyền đang có phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn, tránh thiệt hại.
Theo các hộ dân, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lũkéo dài thì phần còn lại là do Thủy điện Châu Thắng xả lũ.
“Nếu do nhà máy thủy điện xả lũ, chúng tôi sẽ đền bù”
Những hộ dân ở đây cho rằng nguyên nhân chính gây sạt lở là việc nhà máy thủy điện Châu Thắng xả lũ. Chị Lê Thị Tám, nhà trong diện ảnh hưởng cho biết, nhà gần sông nên mỗi khi khi thủy điện Châu Thắng xả lũ là chị lại nơm nớp lo sợ. Có hôm, chị chỉ kịp ôm 4 cháu nhỏ chạy vội ra khỏi nhà vì lo sập.
Ông Lương Trung Thay, Phó chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cho biết khi các hộ dân điện thông báo, chính quyền đã huy động dân quân đến hỗ trợ di dời tài sản. Trước đây, khi chưa có thủy điện, mưa lũ cũng khiến các hộ dân ở đây ngập lụt. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau là nước rút chứ không sạt lở như bây giờ.
Nhà máy thủy điện Châu Thắng. Ảnh: Phạm Hòa. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Hồ Ngọc Thiết – Giám đốc nhà máy thủy điện Châu Thắng – Công ty cổ phần Prime Quế Phong thuộc Tổng công ty Điện lực Trung Sơn cho hay khi sự việc xảy ra, đơn vị không chối bỏ trách nhiệm và sẽ cùng chung tay với người dân để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, theo ông Thiết, thủy điện nằm ở trên sông Quàng trong khi đó dòng sông Hiếu là hợp lưu của ba con sông lại với nhau. Vì thế, cơ quan chức năng cần khảo sát, kiểm tra xem sạt lở là do thủy điện xả lũ hay do các yếu tố khác.
“Nếu là do thủy điện thì chúng tôi sẵn sang nhận trách nhiệm, đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng”, ông Thiết quả quyết.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, đại diện nhà máy cùng các đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm đếm thiệt hại để đền bù thỏa đáng cho những hộ dân bị ảnh hưởng sau khi có kết luận cuối cùng.
Riêng hộ bà Nguyễn Thị Lục đề nghị nhà máy hỗ trợ 100 triệu để di dời, nhà máy đã đáp ứng ngay. Trong ngày 2/8, đại diện nhà máy sẽ trao số tiền này đến hộ này.
Thủy điện Châu Thắng đóng tại địa bàn xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) do Công ty cổ phần Prime Quế Phong khởi công xây dựng vào tháng 2/2015. Phát điện vào tháng 5/2017, hồ chứa 18 triệu m3, công suất 14 MW.