Về trang chủ Chưa được phân loại Chứng khoán: Rủi ro bẫy tăng giá vẫn còn hiện hữu

Chứng khoán: Rủi ro bẫy tăng giá vẫn còn hiện hữu

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nóng lên đã phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán Phố Wall gần như cả tuần qua, sau khi các chỉ số chính leo lên các mức cao kỷ lục vào tuần trước. Điều này đã tạo nên tâm lý tiêu cực của giới đầu tư trên toàn cầu khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt giảm điểm trong tuần qua, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 21,59 điểm xuống 952,55 điểm; HNX-Index giảm 1,014 điểm xuống 105,86 điểm. Thanh khoản trung bình mỗi phiên trong tuần vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 4.100 tỷ đồng giao dịch/phiên trên cả hai sàn, cho thấy giới đầu tư vẫn đang thận trọng trong giao dịch.

Thực tế, các thông tin trên thị trường đang gây bất lợi cho thị trường chứng khoán. Ngày 10/5, thời điểm đại diện hai nước đang tiến hành đàm phán, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính thức áp đặt mức thuế mới từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thị trường phục hồi nhẹ sau nhiều phiên giảm điểm liên tiếp, nhưng còn khá sớm để nói về một sự đảo chiều xu hướng và rủi ro bẫy tăng giá (bulltrap) vẫn còn hiện hữu. (Ảnh minh họa)

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ khẳng định đã nâng mức thuế lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc bị tác động, sau khi Washington không có hành động đảo ngược quyết định được thông báo trước đó. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng tuyên bố sẽ xúc tiến việc áp thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Người đứng đầu Nhà Trắng nêu rõ, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc diễn ra thẳng thắn và mang tính xây dựng, song ông cho biết hàng rào thuế quan mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có thể hoặc không thể xóa bỏ trong tương lai. Do vậy, một số chuyên gia phân tích cho rằng, nhà đầu tư nên sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại kéo dài.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones hạ 2,1%, ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2019. Chỉ số S&P 500 cũng mất 2,2% và Nasdaq lùi 3%, tuần giảm mạnh nhất của cả hai chỉ số này kể từ tuần kết thúc ngày 21/12/2018.

Thị trường chứng khoán Mỹ có chiều hướng đi xuống khiến giới đầu tư trên toàn cầu trở nên thận trọng. Xét đến diễn biến nội tại của thị trường, đa số các nhóm cổ phiếu đều kém khả quan và duy chỉ còn nhóm cổ phiếu dầu khí là có dấu hiệu tích cực.

Các mã cổ phiếu trụ cột giảm rất mạnh trong tuần qua như GAS giảm 4,1%. Cổ phiếu vốn hóa thứ nhì thị trường là VHM giảm tới 7,1%, VJC giảm 2,7%, HVN giảm 3,6% …, trong khi các mã VNM, VIC, MSN… đang “lình xình” chưa rõ xu hướng.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng đồng loạt giảm giá. Cụ thể, VCB (1,6%), CTG (2,9%), BID (6,4%), VPB (3,2%), TCB (3,5%), HDB (2,9%), MBB (5,4%)… Cùng với việc giảm giá thì nhóm cổ phiếu ngân hàng còn có tính thanh khoản rất thấp khiến khả năng đảo chiều xu hướng của nhóm này trong tuần tới có lẽ khó xảy ra.

Cổ phiếu ngành dầu khí tăng khá mạnh dù giá dầu thế giới biến động thất thường trong tuần qua. Hiện nay, trước bối cảnh tình hình thương mại toàn cầu tiếp tục bất ổn nên giới đầu tư ngày càng quan ngại về triển vọng cung-cầu “vàng đen.”

Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI giảm 0,5%, đánh dấu tuần đi xuống thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent cũng giảm 0,3% trong tuần.

Dù vậy, những mã trụ cột trong ngành dầu khí vẫn có mức tăng mạnh. Cụ thể, PVD tăng tới 5,5%, PVB tăng 2,1%, PVC tăng 3% và các mã như: PLX, PVS, POW… dù tính chung cả tuần đều giảm giá, nhưng nếu nhìn vào diễn biến phiên phiên cuối tuần có thể thấy các mã này đang có dấu hiệu tích cực trở lại.

Điểm trừ cho thị trường là việc tuần qua khối ngoại bán ròng rất mạnh. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng trên HOSE, HNX và thị trường UPCoM. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 21 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là hơn 562 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 481 tỷ đồng với khối lượng 14,6 triệu cổ phiếu. Ở sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng tới 68 tỷ đồng với khối lượng 4,4 triệu cổ phiếu. Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 13 tỷ đồng với khối lượng 2,2 triệu cổ phiếu.

Với những diễn biến tiêu cực nêu trên, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đưa ra nhận định: Trong tuần giao dịch tiếp theo (13/5 – 17/5) khả năng giảm của VN – Index được đánh giá cao hơn với mục tiêu hướng đến có thể là ngưỡng 920 điểm theo mô hình “vai đầu vai,” mức kháng cự lần lượt tại 955 điểm và 965 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho biết, thứ 5 tới là ngày đáo hạn Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng nên diễn biến của các cổ phiếu bluechips (cổ phiếu chất lượng cao do các công ty lớn phát hành) trong rổ VN30 (30 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường chứng khoán) sẽ biến động khó lường.

Trong kịch bản tích cực, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục và bước vào nhịp tăng điểm ngắn từ vùng hỗ trợ 940-950 điểm trong tuần tới. Dù vậy, đà hồi phục của thị trường (nếu có) dự kiến cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trước áp lực bán ròng của khối ngoại.

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, phiên cuối tuần qua, thị trường phục hồi nhẹ sau nhiều phiên giảm điểm liên tiếp, nhưng còn khá sớm để nói về một sự đảo chiều xu hướng và rủi ro bẫy tăng giá (bulltrap) vẫn còn hiện hữu.
Theo Chinhphu

Đoàn khách Việt biến mất tại Đài Loan: Khởi tố 5 đối tượng liên quan

Chứng khoán hứng khởi trước tín hiệu vui từ kinh tế Trung Quốc và Mỹ

TP.HCM: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

TP.HCM: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Có thể bạn quan tâm