TP.HCM phải là địa phương đi trước trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng TP thông minh; đô thị sáng tạo; chính phủ điện tử; cải cách hành chính hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh với các TP khác; đồng thời, TP tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước; trung tâm lớn, hiện đại của đất nước và khu vực ASEAN. Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với TPHCM diễn ra vào chiều 12/4.
Kiến nghị cho phép TP tạm ứng ngân sách triển khai một số dự án
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM.
Đồng thời, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng với đó, chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương với số tiền là 2.158,5 tỷ đồng, UBND TP chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho dự án. Trong trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng cho dự án, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho UBND TP được thực hiện tạm ứng từ ngân sách TP với số tiền 2.158,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM; cũng như cho phép TP tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án; ngân sách Trung ương sẽ bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.
Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt danh mục doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước, lộ trình cổ phần hóa và tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ khi bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc TPHCM giai đoạn 2018 – 2020. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát để ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển DNNN và Công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương thống nhất với đề xuất của TPHCM về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. Đồng thời cho rằng, để TP phát triển, Trung ương tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho TP.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện nay vấn đề giao thông đang là “điểm nghẽn” cho TP.HCM, nếu Trung ương và TP.HCM không khẩn trương, có kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống giao thông thì tốc độ tăng trưởng của TP chắc chắn sẽ chậm lại và đến giai đoạn bảo hòa không phát triển được nữa. Bởi vì, với tốc độ đô thị hiện nay có 85% địa bàn TP đã đô thị hóa.
Như vậy, TPHCM gần như hết đất làm đường giao thông và muốn phát triển thì TP.HCM phải có đường vành đai, đường cao tốc hướng tâm để kết nối các đô thị vệ tinh để phát huy cho TP. Có như vậy, TP mới có điều kiện để tiếp tục dẫn đầu và phát triển.
TP.HCM tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, TP vẫn còn một số yếu kém như lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại; đất dành cho dịch vụ đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị không đồng bộ nên cần thay đổi trong thời gian tới; thu hút của TP đối với lĩnh vực chế biến, chế tạo thấp.
Do đó, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong năm 2019, TP xây dựng khu công nghiệp hơn 360 ha phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, TP tìm kiếm và mời gọi nhà đầu tư nước ngoài lớn đến đầu tư; trong đó có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư.
TP sẽ cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường TP tiên phong trong việc thí điểm xem xét định giá đất cho phù hợp, nhanh. Mặt khác, TP có chuyên đề về quản lý rác đô thị; tiếp tục thí điểm đô thị thông minh. Bên cạnh đó, khai thác cơ hội và ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, TP bàn với cơ quan Trung ương để có phương thức huy động hợp tác công tư làm tuyến đường Vành đai 3 và định hướng tuyến đường Vành đai 4.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà TP đạt được trong quý I năm 2019. Đồng thời cho rằng, TP phải là địa phương đi trước trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng TP thông minh; đô thị sáng tạo; chính phủ điện tử; cải cách hành chính hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh với các TP khác. TP.HCM tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước; trung tâm lớn, hiện đại về tài chính – thương mại – khoa học công nghệ của cả nước và khu vực ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TP.HCM triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, các Kết luận của Trung ương để TP tiếp tục bức phá. Cạnh đó, TP cần phân công cụ thể, tăng cường giám sát đôn đốc việc thực hiện 7 chương trình đột phá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP.
Cùng với đó, tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân TP trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; tạo không khí thi đua, tinh thần lao động sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý trong vấn đề chỉ đạo cùng với kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, TP cần chú ý một số vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp – nông thôn, môi trường. Cụ thể, TP có chương trình về phát triển nhà ở xã hội dành cho người lao động; tập trung thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở TP.
Đối với kiến nghị của TP về tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề liên quan để giải quyết một cách dứt điểm nhằm tạo điều kiện cho TP có nguồn vốn, có cơ chế để xử lý giải quyết, phấn đấu đến cuối năm 2020, đưa vào vận hành thử nghiệm và năm 2021 đưa vào vận hành chính thức tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.
Về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là sự tìm tòi, sáng tạo, đề xuất mới của TP. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ đề xuất của TP về vấn đề này; đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các ý kiến tại buổi làm việc để cùng với TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra Nghị quyết để TPHCM được thí điểm quy trình này.
Theo hcmcpv.org.vn
“Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn: Xin cho tôi hai chữ bình yên
TP.HCM: Xây dựng đô thị thông minh gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
TP.HCM: Thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo Đông Sài Gòn