Indonesia mới đây thông báo kế hoạch dời đô ra khỏi đảo Java do Jakarta đã quá ngộp thở vì dân đông và kẹt xe. Nhưng còn một nguyên nhân khác: Jakarta đang chìm với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Trang Popular Science dẫn lời các chuyên gia từ Indonesia cho biết theo tính toán, đến năm 2050 – tức chỉ 30 năm tới – 95% diện tích của Jakarta sẽ chìm dưới mực nước biển.
Ngoài việc chịu tác động tiêu cực từ hiện tượng Trái đất ấm lên khiến nước biển dâng, đất đai ở Jakarta – trước đây vốn là đầm lầy – khá yếu nên đang chìm nhanh chóng, thậm chí tốc độ còn khủng khiếp hơn cả nước biển dâng.
Theo các nhà khoa học, Jakarta hiện đang là thành phố có tốc độ chìm nhanh nhất, nhanh hơn cả thành phố Venice của Ý. Bắc Jakarta là vùng gần biển nhất nên cũng là vùng đang chìm nhanh nhất. Theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Bandung (Indonesia), từ năm 1925-2015 ước tính khu vực này đã chìm đến 4m.
Nếu tính cả Jakarta, mỗi năm trung bình thành phố này chìm từ 1-10 cm. Con số trên cũng tỉ lệ thuận với tỉ lệ gia tăng dân số khủng khiếp ở Jakarta.
Với số dân trên 10 triệu người, Jakarta là một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, đồng thời cũng nằm trên hòn đảo đông dân nhất toàn cầu – đảo Java.
Dân số đông, lượng nước cung cấp cho địa phương thông qua các đường ống nước quốc gia chỉ có thể đáp ứng 40% nhu cầu. Số còn lại vẫn phải sử dụng nước ngầm với số lượng lớn, làm cho đất yếu hơn, dễ sạt lở hay nứt nẻ hơn.
Điều này khiến mặt đất ở Jakarta đã yếu nay càng yếu hơn, khiến tốc độ chìm của thành phố này ngày càng tăng thêm. Chính quyền Jakarta đã tiến hành nhiều biện pháp nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Chẳng hạn, trong 1 thập kỷ trở lại đây, Jakarta đã cố gắng giảm thiểu nhu cầu sử dụng nước ngầm trong thành phố. Các trạm cấp nước đã được chuyển về các tỉnh thành lân cận để thuận tiện vận chuyển nước qua các đường ống đến nơi sinh hoạt.
Tuy nhiên, phần lớn các con sông trong thành phố đã bị chìm và không thể đưa nước ra ngoài biển, điều này làm sông trong nội thành giống như những đập nước nguy hiểm dễ gây ngập cho Jakarta mỗi khi triều cường hay bão lụt.
Chính quyền cũng cho xây dựng hơn 4.500m kè biển để ngăn sự xâm nhập của nước biển, nhưng không ngờ kè biển này lại… chìm trước.
Mới đây, chính quyền Indonesia cũng đã lên kế hoạch xây dựng bức “tường thành” khổng lồ trị giá 40 tỉ USD bao quanh vịnh Jakarta, như cô lập vùng biển của thành phố với đại dương ngoài kia.
Thế nhưng, kế hoạch đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhà hoạt động môi trường và các ngư dân bởi nếu làm thế, vùng biển của Jakarta chẳng khác nào một bể chứa chất thải từ những dòng sông ô nhiễm trong nội thành mà không thể thoát đi đâu.
Do gặp quá nhiều vấn đề, hạ sách của Indonesia lúc này là… bỏ Jakarta mà chọn nơi khác ngoài đảo Java làm thủ đô, theo BBC. Riêng vấn đề chìm dần của Jakarta cần một giải pháp thực sự mạnh tay để giải quyết triệt để, tuy nhiên hiện nay Indonesia vẫn chưa thể có được.
Theo TTO
Mỹ: Xác định danh tính nghi phạm vụ nổ súng tại Đại học Bắc Carolina
Tân Hồng Uy: Lấy đất đã bán cho khách hàng đem thế chấp ngân hàng