Trước thông tin nắng nóng ở Việt Nam lập kỷ lục qua mọi thời kỳ, ngày 25/5/2019, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã thông tin về diễn biến nắng nóng từ đầu năm đến nay, đặc biệt là nguyên nhân dẫn tới đợt cao điểm nắng nóng trong tháng Tư.
Theo đó, do ảnh hưởng của El Nino (hiện tượng ấm lên bất thường của vùng biển nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương), vùng thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh, kết hợp với hiệu ứng gió phơn tác động đã khiến nền nhiệt tại các vùng trên cả nước tăng cao trong tháng Tư.
Cụ thể, từ ngày 19/4 đến nay, ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 36-39 độ C. Ở các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40 độ C.
Một số nơi còn có nhiệt độ trên 41 độ C như: Mường La (Sơn La) 42 độ C; Hòa Bình 41,1 độ C; Con Cuông (Nghệ An) 42 độ C; Tương Dương (Nghệ An) 42 độ C; Đô Lương (Nghệ An) 41,5 độ C; Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C (cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam); Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43 độ C…
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng diện rộng vẫn đang xảy ra ở các khu vực trên phạm vi cả nước. Đợt nắng nóng này còn kéo dài đến khoảng ngày mai (26/4) ở Bắc Bộ; và đến khoảng ngày 28/4 ở Trung Bộ, Nam Bộ.
Đánh giá về đợt nắng nóng trong tháng 4/2019, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu-Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo thống kê từ năm 2013 đến nay, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung hầu hết xuất hiện từ nửa cuối tháng 4, một số năm có thể xuất hiện sớm trước ngày 10/4.
“Như vậy, đợt nắng nóng diện rộng ở miền Bắc, Trung Bộ xuất hiện vào ngày 19/4 là hợp với quy luật. Tuy nhiên, nền nhiệt thì cao hơn hẳn so với các năm khác và một số điểm đã xuất hiện nắng nóng kỷ lục,” ông Hưởng nói. Đánh giá nền nhiệt tại từng khu vực, ông Hưởng cho biết, nhiệt độ trung bình từ đầu tháng Tư đến nay ở Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 2-3 độ C (trung bình nhiệt độ tháng Tư ở Bắc Bộ khoảng 23-24 độ C).
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn trung bình nhiều năm từ 3-4 độ C (trung bình nhiệt độ tháng Tư ở Trung Bộ từ 24-25 độ C); Nam Bộ và Tây Nguyên có nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C (trung bình nhiệt độ tháng Tư ở Tây Nguyên từ 24,5-25,5 độ C, Nam Bộ 29,5-30,5 độ C). Ngoài ra, một số nơi nhiệt độ trung bình còn tăng cao kỷ lục so với trung bình nhiều năm.
Tại thành phố Vinh (Nghệ An), nhiệt độ đã vượt trung bình nhiều năm trong tháng Tư đến 4,1 độ C. Hay như tại Hà Nội, nhiệt độ trung bình tháng Tư khoảng 24 độ C và một số năm nóng đáng kể trước đây như năm 2003 có nhiệt độ trung bình vượt trung bình nhiều năm 2,2 độ C; năm 2012 vượt 2,4 độ C; năm 2015 vượt 3,1 độ C; và năm 2019 đã vượt 3,3 độ C ở trạm Láng; 3 độ C ở trạm Hà Đông.
Ngoài ra, trong đợt nắng nóng này có rất nhiều trạm ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung có nhiệt độ cao nhất vượt mức đã từng quan trắc được trong tháng Tư. Chẳng hạn, nhiệt độ cao nhất ngày 20/4 ở Hà Nội là 38,9 độ C không phải là mức nhiệt cao nhất của năm nhưng nếu chỉ so sánh trong tháng Tư thì đây là kỷ lục mới, vượt mức 38,5 độ (cao nhất trong 100 năm qua số liệu quan trắc ở Hà Nội vào thời điểm tháng 4); tại Phù Yên (Sơn La) 41,7 độ C vượt mức kỷ lục đã xuất hiện vào tháng 4/1984…
Đặc biệt tại Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ cao nhất ngày 20/4 lên tới 43,4 độ C là mức nhiệt cao nhất trong lịch sử nhiệt độ đo được ở Việt Nam từ trước đến nay. “Nguyên nhân chính của sự kiện này là do kết hợp tác động của El Nino, xu thế nóng lên toàn cầu (trong đó có Việt Nam), nền nhiệt độ cao vào tháng 4/2019, kết hợp với hiệu ứng đô thị và thay đổi mặt đệm khu vực trạm quan trắc,” ông Hưởng nói..
Theo Vietnamplus
Thanh Hóa: Tạm giữ 5 thành viên của Đoàn thanh tra tỉnh do nhũng nhiễu
Albania: Ly kì vụ cướp hàng triệu Euro tại sân bay Mother Teresa
Nữ sinh lớp 8 mang thai: Thầy giáo, thai 12 tuần, và chuyện bắt đầu khi nữ sinh 11 tuổi
Hàn Quốc: Hàng ngàn người Việt đổ xô đi xin visa 5 năm do tin đồn