Quá trình đô thị hoá đã nâng tỷ lệ nhà chung cư tại TP.HCM từ 10% đến 25% trong cơ cấu phát triển nhà mới, nhưng chỉ chiếm 8% trong tổng số nhà tại thành phố.
Tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp–Chính quyền TP.HCM sáng 30/8/2018, ông Trần Trọng Tuấn -Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết nhà chung cư là vấn đề mới trong quá trình đô thị hoá, trước đây, nhà chung cư tại TP.HCM chiếm 3-10% trong cơ cấu phát triển nhà mới.
Trong 05 năm trở lại đây, tỷ lệ này chiếm 25% trong cơ cấu phát triển nhà xây dựng mới. Tỷ lệ này chưa cao, nếu tính hết hiện số lượng nhà chung cư mới chỉ chiếm 8% so với tổng số nhà ở trên toàn TP.HCM. Theo quy hoạch, tỷ lệ này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Tỷ lệ nhà chung cư tăng lên trong thời gian qua góp phần cho quá trình chỉnh trang phát triển đô thị. Nhiều nhà chung cư khang trang, thiết kế đẹp, trang bị tốt, chất lượng tốt, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị. Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ trong bán hàng mà ngay cả sau khi vận hành chung cư.
Nhưng vẫn còn tồn tại còn nhiều tranh chấp của đầu tư với khách hàng, giữa Ban quản trị với cư dân, như: tranh chấp khi công trình chưa khởi công, trong quản lý nhà chung cư….
Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2018, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị quản lý nhà chung cư. Sở đang báo cáo UBND TP.HCM để tổng kết thực tiễn, đánh giá hoạt động, dự báo và đưa ra kiến nghị sửa đổi trong quản lý, thực hiện pháp luật… về quản lý nhà chung cư.
Sở sẽ mời những điển hình quản lý giỏi của Ban quản trị, cũng như mời Ban quản trị của những chung cư đang có tranh chấp để trao đổi, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để xây dựng quy chế quản lý tốt. Sở nhận thức phải thay đổi cơ chế quản lý cho phù hợp với tình hình nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM.
“Chúng ta cứ chạy theo sự việc mà không có cơ chế quản lý tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và sự phát triển của TP.HCM nói chung”, ông Tuấn nói.
Theo BizLive-Cafef-Phapluat-Dautu