Ngày 29/8/2018, VFF thông báo về việc sở hữu quyền thương mại đối với các ĐTQG Việt Nam, trong đó có U23 Việt Nam.
Theo đó, VFF là đơn vị duy nhất sở hữu tên gọi, hình ảnh, thương hiệu và các quyền khai thác thương mại liên quan đến các ĐTQG Việt Nam, bao gồm đội tuyển U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam.
Hiện nay, U23 Việt Nam đang thi đấu tại ASIAD 18 và đạt những thành công làm nức lòng NHM. Tuy nhiên, đang có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tên gọi, hình ảnh, thương hiệu của U23 Việt Nam để kinh doanh, quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản của VFF.
VFF khẳng định: “Bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào sử dụng tên gọi, hình ảnh của các ĐTQG Việt Nam, khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của VFF là hành vi vi phạm quyền thương mại của VFF và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc khai thác trái phép các quyền thương mại liên quan đến các ĐTQGViệt Nam.
VFF yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chấm dứt ngay hành vi sử dụng trái phép tên gọi, hình ảnh, thương hiệu của các ĐTQG Việt Nam. VFF sẽ tiến hành các biện pháp trong phạm vi thẩm quyền để bảo vệ thương quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật”.
Trước đó, sau thành công của thầy trò HLV Park Hang-seo tại giải U23 Châu Á, có một vấn đề lộ ra là khoảng trống lớn trong việc sở dụng, khai thác hình ảnh, thương hiệu các ĐTQG. Và nhìn vào “cơn sốt” U23 Việt Nam vừa qua thì thấy, nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh thầy trò HLV Park Hang-seo.
Sau đó, VFF đã ra thông báo về việc sở hữu quyền thương mại đối với các ĐTQG Việt Nam nhưng thực tế điều này vẫn không ngăn chặn được triệt để.
Trong vấn đề này, VFF cần chủ động hơn và có một chiến lược phát triển thương hiệu để các doanh nghiệp trong nước có thể trực tiếp tham gia đầu tư lâu dài cho ĐTQG, tạo “bầu sữa” để phát triển lâu dài cho bóng đá Việt.
Theo Cafef-Lao động-Tienphong