Về trang chủ Chưa được phân loại Trung Quốc: Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức mới

Trung Quốc: Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức mới

Chiến lược “Made in China 2025” (MIC2025) được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự kinh tế và là một phần trong gói kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tạo ra mô hình kinh tế bền vững.

MIC2025 chú trọng nâng cấp khả năng sản xuất và đảm bảo tính cạnh tranh của Trung Quốc bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại như sử dụng người máy, mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng Internet. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang kéo dài.

Thúc đẩy công nghiệp chế tạo mặc dù báo chí chính thức của Trung Quốc đã giảm bớt ca ngợi kế hoạch MIC2025 kể từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng ít có khả năng Trung Quốc thực sự lùi bước trong kế hoạch nâng cấp công nghiệp quan trọng nhất trong lịch sử nước này.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trái lại, sức ép từ bên ngoài – nhất là cảnh báo trừng phạt từ Mỹ đối với những sản phẩm công nghiệp và công nghệ chủ chốt – sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường quản trị và rót vốn vào thúc đẩy nâng cấp công nghệ, tự cung tự cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược của đất nước.

Trong danh sách 500 loại hàng công nghiệp hàng đầu thế giới, Trung Quốc có 220 sản phẩm có sản lượng đứng đầu thế giới, không ít hàng công nghiệp chiếm gần một nửa sản lượng toàn cầu. Căn cứ vào thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), sản lượng công nghiệp của Mỹ năm 2015 chỉ bằng 66% của Trung Quốc.

Đối với phát triển công nghệ, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đứng ở ba vị trí đầu tiên xét về đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, với số tiền lần lượt là 470,5 tỷ USD, 370,6 tỷ USD và 170,5 tỷ USD, theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về tình hình liên quan đến khía cạnh trên của các nước trên thế giới năm 2017.

Tính toán theo năng lực làm việc thực tế thì đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Trung Quốc không chênh lệch nhiều so với Mỹ. Điều then chốt là trong tương lai gần, đầu tư nghiên cứu phát triển của Trung Quốc vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trên 10%, Mỹ thì dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 2%. Tuy nhiên, thực lực công nghệ của Mỹ vẫn có ưu thế đứng đầu rõ rệt.

Đây là điều không thể nghi ngờ, nhưng với sự đầu tư liên tục của Trung Quốc, địa vị số một của Mỹ trong các lĩnh vực có thể bị thu hẹp. Do đó, trong khoảng thời gian 10 năm tới, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc có thể ngang bằng với Mỹ.

Mặc dù vậy, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đã được cảm nhận rõ với nhiều công ty đa quốc gia di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, việc đe dọa nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc và kế hoạch nâng cấp công nghệ của nước này.

Nếu cuộc tranh chấp thương mại leo thang, Trung Quốc có thể làm hạ nhiệt bằng cách rút lại những mục tiêu tự cung tự cấp, cải thiện việc bảo vệ đối với vấn đề bản quyền, nghiêng sang phía “sân chơi” giúp đỡ các công ty tư nhân trong nước và công ty nước ngoài hơn là đối với các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng rất ít khả năng Trung Quốc sẽ từ bỏ MIC2025 hoàn toàn.

Thay vào đó, Trung Quốc có thể đưa ra một chiến lược quốc gia mới cho phát triển công nghệ dưới một tên mới, chủ yếu là một kế hoạch B của MIC2025. Không may cho Trung Quốc là những chỉnh sửa của họ đã không làm hài lòng giới bài Trung Quốc tại Mỹ. Siết chặt việc hạn chế tiếp cận công nghệ của Mỹ đã được tăng cường, và nhiều khả năng điều này sẽ được giữ nguyên như vậy trong dài hạn.

Thiệt hại tiềm tàng đối với tương lai công nghiệp của Trung Quốc khó mà định lượng được, nhưng đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc.

Nếu chính quyền Mỹ đưa ra thêm những quy định thắt chặt hơn nữa đối với các sinh viên Trung Quốc và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại trường đại học Mỹ, hoặc ngăn chặn sự trao đổi tương tác giữa các nhà khoa học của hai nước, hoặc hạn chế việc mua lại các công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon của các quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, thì tốc độ gia tăng hiểu biết công nghệ tại Trung Quốc có thể bị chậm lại đáng kể.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) Miêu Vu và các quan chức cấp cao khác của Chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ đối xử công bằng với tất cả loại hình doanh nghiệp – kể cả các công ty nước ngoài – trong khi thực hiện kế hoạch MIC2025.

Đối xử công bằng bao gồm việc bình đẳng tiếp cận với các hoạt động đấu thầu của chính phủ, hỗ trợ và các nguồn thông tin. Mặc dù một số ý kiến tỏ ra hoài nghi về những lời hứa hẹn này, sự cần thiết của việc ngăn chặn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trước nguy cơ phá hoại chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh đưa ra những cam kết đặc biệt nghiêm túc.

Một trong những bước đi chính để tiến tới đối xử công bằng, Bắc Kinh đã nới lỏng những hạn chế về quyền sở hữu đối với đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Chẳng hạn việc cho phép Tesla, BASF và Exxon Mobil xây dựng những nhà máy mới do các ôn lớn này sở hữu toàn bộ, và để cho BMW mua phần lớn cổ phần tại China JV Brilliance Automotive.

Trung Quốc cũng đưa ra đề xuất về lệnh cấm việc bắt buộc chuyển giao công nghệ trong bản dự thảo mới đây về Luật đầu tư nước ngoài do Quốc hội Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, việc đi đến thỏa thuận cải cách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc dường như khó khăn hơn, những hỗ trợ hiện nay của chính phủ là vô cùng to lớn.

Toàn bộ hỗ trợ của chính phủ lên tới khoảng 118 tỷ USD trong năm 2017, chiếm khoảng 4% trong tổng chi của chính phủ và tương đương 1% GDP. Thách thức kinh tế Trong một báo báo công bố tại Kỳ họp thứ 2 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Khóa XIII ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 là 6-6,5%, giảm từ mức mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là 6,5%.

Ông Lý Khắc Cường được dẫn lời nói: Để tiếp tục phát triển trong năm nay, chúng ta sẽ phải đối diện với một môi trường khó khăn hơn, phức tạp hơn, cũng như những rủi ro thách thức đang gia tăng về cả số lượng lẫn quy mô. Đất nước phải chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho một cuộc vật lộn cam go.

Tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại đã làm dấy lên những lo ngại rằng sự giảm tốc đó sẽ làm hỏng những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đạt được mục tiêu xây dựng một “xã hội khá giả,” hay nói cách khác đến năm 2020 tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người so với mức của năm 2010. Thời gian qua, Trung Quốc đã phải vật lộn chống chọi với nhiều áp lực khi nền kinh tế tăng chững lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Bên cạnh việc sẽ nới lỏng hơn nữa hoạt động kiểm soát đối với việc các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh muốn thúc đẩy chi tiêu và cắt giảm hàng tỷ USD tiền thuế. Ông Lý Khắc Cường cho hay Trung Quốc muốn cắt giảm gần 2.000 tỷ nhân dân tệ (298 tỷ USD) tiền thuế và các loại phí.

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi toàn dân đoàn kết đối phó với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm, thông báo những biện pháp giảm thuế để kích thích các hoạt động kinh tế. Chính phủ dự tính áp dụng chính sách giảm thuế, chú trọng đến việc giảm các loại thuế đang đè nặng lên ngành công nghiệp chế biến và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 16% xuống còn 13% trong ngành công nghiệp chế biến và trong các lĩnh vực khác.

Theo ông Lý Khắc Cường, thuế VAT đối với các ngành vận tải và xây dựng sẽ được giảm từ 10% xuống 9% và VAT cho các công ty sản xuất sẽ giảm từ 16% xuống 13%. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng và sử dụng các quy định về quỹ dự phòng làm công cụ điều tiết chính sách.

Trung Quốc đã giảm bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc – tức số tiền mà các ngân hàng thương mại cần phải dự phòng – nhiều lần trong năm ngoái, nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 1990 tới nay.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương ngày 10/3 cho biết nước này sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, theo đó có thể nới lỏng hoặc thắt chặt tới một mức độ phù hợp. Thêm nữa, chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng sẽ tính đến các yếu tố bên ngoài và vị thế của Trung Quốc trong hệ thống kinh tế toàn cầu cũng như các lĩnh vực định hướng xuất khẩu.

Mới đây, theo số liệu thống kê công bố ngày 8/3 của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Hai vừa qua đã giảm lần lượt 20,7% và 5,2% xuống 135,24 tỷ USD và 131,12 tỷ USD, sụt mạnh hơn so với các mức dự báo giảm 5% và 0,6% theo kết quả thăm dò ý kiến do hãng tin Bloomberg News tiến hành trước đó.
Theo Vietnamplus
https://eltimes.vn/hoan-cau-trong-con-bao-tranh-chap-tai-san-namabank-dat-muc-tieu-len-hose-nam-2019/

Vụ sát hại Kim Chol: Tòa án tiến hành xét xử nghi phạm Đoàn Thị Hương

Hàn Quốc: Nỗ lực phá vỡ thế bế tắc của đàm phán Mỹ-Triều

Khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 

Có thể bạn quan tâm