Về trang chủ Công nghệ Công nghệ Vingroup: Khẳng định “Không đặt mục tiêu chỉ phát triển cho riêng mình” khi chi bộn tiền xây Silicon Valey

Vingroup: Khẳng định “Không đặt mục tiêu chỉ phát triển cho riêng mình” khi chi bộn tiền xây Silicon Valey

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ: khát vọng lớn nhất của Vingroup là tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để nuôi dưỡng các điều kiện khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và không đặt mục tiêu chỉ phát triển cho riêng mình.

Bất ngờ tham gia lĩnh vực công nghệ nhưng Vingroup không đặt mục tiêu phát triển cho riêng mình. Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn, khát vọng lớn nhất của Vingroup là tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để nuôi dưỡng các điều kiện khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, từ đó, góp phần mở ra phát triển đột phá cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội đột phá
Là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam – Vingroup đang phát triển rất tốt với các mảng kinh doanh hiện tại. Vì sao Vingroup lại quyết dấn thân vào mảng hoạt động mà nền tảng kinh nghiệm gần như bằng 0 như công nghệ, thưa ông?

Rất đơn giản, slogan của chúng tôi là “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, 25 năm phát triển, Vingroup chưa bao giờ dừng lại. Còn vì sao lại chọn công nghệ – công nghiệp là bởi đây không chỉ là con đường ngắn nhất mà còn là tốt nhất có thể phát triển đột phá.

Ông có thể cho biết Vingroup cụ thể hơn về định hướng đầu tư mới?

Định hướng là trong vòng 10 năm tới, Vingroup sẽ trở một Tập đoàn Công nghệ-Công nghiệp-Dịch vụ có tầm quốc tế. Trong đó, công nghệ sẽ là hướng đi chủ lực. Cụ thể hơn thì với mảng thương mại dịch vụ hiện có – Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động. Vì mảng này không chỉ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ-công nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Quang -Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup

Về mảng công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh – gia dụng. Dự kiến ngay cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới.

Với mảng mới nhất là công nghệ thì chúng tôi xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có vấn đề tạo nguồn nhân lực, hạ tầng, tạo cơ chế phát triển, các viện nghiên cứu, các Quỹ hỗ trợ… nhằm tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới, sản xuất phần mềm.

Đến nay Vingroup đã triển khai định hướng mới thế nào và lộ trình phát triển 10 năm tới ra sao, thưa ông?

Ngày 21/8 vừa qua, chúng tôi đã ra mắt Công ty VinTech, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT) và Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ Ứng dụng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã ký kết với hơn 50 trường ĐH trong lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam để chuẩn bị nguồn nhân lực gồm 100.000 kỹ sư cho 10 năm tới. Đó là những bước đi đầu tiên trong chiến lược đầu tư trọng điểm vào Công nghệ – Công nghiệp.

Muốn có nhiều DN lớn – phải có rất nhiều DN nhỏ
Nói đến nhân sự, theo số liệu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và thứ 81/100 về lao động có chuyên môn cho Cách mạng công nghệ 4.0. Vingroup sẽ giải bài toán này ra sao, thưa ông?

Bên cạnh việc ký kết hợp tác với hơn 50 trường đại học về công nghệ hàng đầu Việt Nam để đặt hàng đào tạo 100.000 kỹ sư công nghệ trình độ cao trong 10 năm, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các trường trung cấp để đào tạo thêm các kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghệ ở mức độ đơn giản hơn.

Đó là sự chuẩn bị cho tương lai, còn hiện tại, chúng tôi kêu gọi sự chung tay của các trí thức người Việt đã thành công hoặc thành danh tại Việt Nam và thế giới cùng chung tay đưa Việt Nam tham gia cuộc Cách mạng 4.0. Các trí thức có thể về nước lập nghiệp, hoặc làm cầu nối, kết nối tri thức toàn cầu đến với Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ đất nước. Đồng thời trong giai đoạn đầu chúng tôi cũng sẽ tuyển các chuyên gia nước ngoài về để làm việc và hỗ trợ đào tạo các CBNV người VN. Nếu làm được việc này, chúng ta có thể tự tin có vài trăm nghìn nhân sự có trình độ về công nghệ trong thời gian tới.

Đào tạo nhân sự đã khó nhưng giữ người tài còn khó hơn. Vingroup có lo ngại việc chảy máu chất xám?
Chúng tôi không ngại việc đó. Những nhân lực này có thể làm việc trong hệ thống của Vingroup, hoặc có thể ra doanh nghiệp khác làm nếu muốn. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là tạo ra được càng nhiều càng tốt các sản phẩm công nghệ có “IP Việt Nam”, các phát minh sáng chế của Việt Nam để có thể đưa chúng ta vào bản đồ công nghệ – công nghiệp thế giới. Vì mong ước của chúng tôi là làm sao để người dân Việt Nam được thụ hưởng sản phẩm công nghệ tốt nhất chứ không phải nhăm nhăm bán ra nước ngoài lấy lợi nhuận.

Đó có phải là lý do Vingroup công bố sẽ xây dựng một “Silicon Valey” tại Đông Anh, Hà Nội?

Chúng tôi cho rằng, muốn có nhiều doanh nghiệp lớn thì phải có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, phải ươm mầm khởi nghiệp. Vì vậy, Vingroup không đặt mục tiêu chỉ phát triển cho riêng mình. Khát vọng lớn nhất của chúng tôi là tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để nuôi dưỡng các điều kiện khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ- công nghiệp. Chúng tôi đã nghiên cứu rất rõ mô hình của thung lũng Silicon, cái nôi của các công ty công nghệ Mỹ. Đó là hình mẫu để chúng tôi đầu tư phát triển “thành phố khởi nghiệp” VinTech City.

Ông có thể cho biết chi tiết hơn về mô hình VinTech City?

Tại Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi có hơn 70ha mặt bằng, dự kiến xây dựng các tòa văn phòng được trang bị đầy đủ máy tính đến hệ thống mạng nội bộ, internet… để các công ty khởi nghiệp có thể làm việc được ngay. Ngoài ra còn có các điều kiện cần thiết như lưu trữ dữ liệu, các bộ phận hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ về nhân sự, thủ tục, hỗ trợ về tài chính kế toán…thậm chí cả lưu trú. Trong thời gian 1-3 năm đầu, các công ty công nghệ khởi nghiệp sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí thuê văn phòng và 1 phần hoặc toàn bộ các phí dịch vụ còn lại.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về tài chính thông qua 2 quỹ: một là quỹ đầu tư về công nghệ, hai là Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu khoa học đang có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, còn Quỹ đầu tư vốn ban đầu khoảng 300 triệu USD.

Chúng tôi tin rằng, mô hình VinTech City sẽ mang lại môi trường thuận lợi nhất cho các ý tưởng và dự án về Công nghệ – Công nghiệp phát triển, thực nghiệm và đi vào đời sống một cách thiết thực, hiệu quả. Nhưng một mình Vingroup không thể làm được, chúng tôi chờ đợi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Theo Cafef-Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm