Về trang chủ Chưa được phân loại Trái xoài Việt Nam vào Mỹ: Thị trường tiềm năng nhưng cực kỳ khó tính

Trái xoài Việt Nam vào Mỹ: Thị trường tiềm năng nhưng cực kỳ khó tính

Cục Bảo vệ thực vật -Bộ NN&PTNT thông tin: Phía Mỹ đã chính thức cấp phép cho trái xoài tươi của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường nước này sau gần 10 năm đàm phán. Đây là loại quả thứ 5 của Việt Nam vào thị trường Mỹ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa.

Thị trường tiềm năng
Ông Nguyễn Đình Tùng -Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết: Các đơn vị xuất khẩu đang làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam để hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi đưa trái xoài vào Mỹ. Dự kiến, khoảng 10 ngày nữa lô xoài đầu tiên sẽ được xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Hoàng Trung -Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thông tin thêm: Mỹ được đánh giá là thị trường rất tiềm năng khi mỗi năm nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trái xoài Việt Nam chính thức được xuất khẩu qua Mỹ mở ra cơ hội tăng trưởng cho ngành trái cây năm 2019.

Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại các bang Florida, Hawaii và một lượng nhỏ tại California, Texas. Sản xuất tại chỗ của Mỹ chỉ đạt 3.000 tấn/năm, bằng 1/100 số lượng phải nhập khẩu mỗi năm và đó là dư địa để xoài Việt có cơ hội gia tăng tiêu thụ vào thị trường này.

Trong các thị trường khó tính nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam, Mỹ là thị trường có số lượng nhập khẩu lớn nhất, trong đó nhiều nhất là thanh long, chôm chôm, nhãn và mới đây là vú sữa. Bên cạnh đó còn có trái dừa tươi của Việt Nam cũng đang trở thành mặt hàng được người tiêu dùng tại Mỹ ưa chuộng, có thể cạnh tranh với dừa của Thái Lan.

Thị trường tiêu thụ trái cây tươi tại Mỹ rất lớn, người tiêu dùng thích ăn trái cây nhiệt đới tươi ngon, nhưng sản lượng trái cây Việt Nam mới chỉ khai thác được 2% thị phần tại thị trường này. Các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung bán ở bang Califonia.

Nhưng cực kỳ khó tính
Theo Cục Bảo vệ thực vật, để được xuất khẩu sang Mỹ, các vùng xoài tại Việt Nam phải được cấp mã số và tuân thủ các yêu cầu về canh tác an toàn thực phẩm, nhà máy đóng gói đạt chuẩn và được cấp mã số do phía Mỹ chứng nhận.

Thị trường Mỹ rất khắt khe, chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh… là họ sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng và kiểm tra liên tục khiến cho thời gian lưu giữ trái cây bị kéo dài, mất cơ hội tiêu thụ và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường này.

Sản phẩm phải được sản xuất quy mô thương mại, được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan bảo vệ thực vật của Việt Nam cấp, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi trong phần khai báo bổ sung như trái cây trong lô hàng này đã được kiểm dịch thực vật, không nhiễm Macrophoma mangiferae và Xanthomounes campestris pv. mangiferaeindicae.

Cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra trái xoài trước khi xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, cho biết: “Trái xoài vào được thị trường Mỹ phải trải qua nhiều quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cấp mã số để quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ với liều đúng quy định, được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật”.

Làm sao chiếm lĩnh thị trường ?
Theo các nhà chuyên môn, trái xoài của VN có nhiều cơ hội cạnh tranh tại thị trường Mỹ vì chủng loại đa dạng và hương vị đặc trưng. Qua khảo sát, xoài của Mexico đang chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ do ngay sát biên giới với Mỹ. Tuy nhiên, xoài chín của Mexico ăn rất ngọt nhưng không có hương vị. Ngược lại, trái xoài cát của VN có hương vị thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu tỏ vẻ lo ngại: “Xoài Việt Nam chất lượng ngon và đa dạng nhưng lo ngại nhất là cạnh tranh về giá. Có những nước lân cận không phải chiếu xạ, chi phí vận chuyển thấp nên giá thành trái xoài của họ rất thấp”.

Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ: “Chủ yếu là xuất khẩu trái cây tươi nên các doanh nghiệp có xu hướng vận chuyển bằng máy bay, chi phí rất đắt đỏ, hiện vào khoảng 3.000USD/tấn hàng. Cần tạo ra được công nghệ bảo quản trái cây giữ độ tươi lâu hơn để vận chuyển theo đường biển với chi phí chỉ khoảng 2.500USD/container hơn 10 tấn hàng. Điều này có thể giúp giá thành trái cây Việt cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ”.

Hơn nữa về lâu dài, trái cây Việt Nam cần phải đẩy mạnh chế biến sâu, xuất khẩu tươi sẽ không bao giờ hết sản lượng sản xuất của nông dân, sau khi chọn lựa những trái đạt quy cách mẫu mã, các sản phẩm còn lại có thể chế biến thành nhiều chủng loại như sấy khô, mứt… giúp nâng cao giá trị trái cây xuất khẩu.

Hiện Việt Nam có khoảng 87.000 ha trồng xoài các loại, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu thì còn khiêm tốn. Ngoài Mỹ, xoài của Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand…
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn

Thẻ vàng thủy sản: Vẫn còn nhiều bất cập trong khắc phục

Thu phí giao thông đường bộ: Đường tới minh bạch còn xa

Metro Bến Thành-Suối Tiên: Gỡ vướng để tăng tốc, vận hành cuối năm 2020

TP.HCM-Đồng Nai: Lại rục rịch chuyện xây cầu Cát Lái 7.200 tỷ

Có thể bạn quan tâm