Riêng chuyện dâng sao giải hạn, nhiều chùa đang lợi dụng sự mê tín của người dân, cố tình phớt lờ giáo lý nhà Phật, biến lễ dâng sao giải hạn thành chuyện kinh doanh ồn ào bán mua, kiếm hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng đã đến lúc rất cần một cuộc chấn hưng văn hóa đi chùa.
Tràn lan dâng sao giải hạn
Những ngày đầu mùa lễ hội năm nay diễn ra bình yên hơn các năm do những nỗ lực quản lý từ chính quyền tới các ban tổ chức, nhưng vẫn còn đó bao chuyện khiến nhiều người ngao ngán. Trên Facebook, nhiều hình ảnh phụ nữ ăn mặc phản cảm bước vào đền, chùa liên tục được cộng đồng mạng phản ánh.
Chuyện mâm cao cỗ đầy, dâng lễ mặn vào chùa, đốt nhang, vàng mã nghi ngút xảy ra ở hầu khắp các cơ sở tôn giáo tại miền Bắc. Đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, từ đầu năm đến nay đã đón hàng ngàn lượt khách, ai nấy đều chuẩn bị mâm lễ ê hề, đắt đỏ, từ 500.000 đồng cho đến vài triệu đồng bởi tâm lý “tốt lễ dễ kêu”. Nhiều người đốt ngựa vàng mã khổng lồ có giá hàng triệu đồng.
Ở Hà Nội, phủ Tây Hồ từ sau Tết Nguyên đán cho tới nay không ngày nào là không tái diễn cảnh chen chúc đi lễ cầu xin tài lộc.
Nhưng một trong những chuyện “nóng” nhất của mùa lễ hội năm nay lại là chuyện tràn lan dâng sao giải hạn ở khắp các ngôi chùa tại miền Bắc, đặc biệt là tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) mà vài năm qua báo chí liên tục đưa lên những hình ảnh người dân tràn kín cả đường giao thông, cả trên cầu vượt Ngã Tư Sở trước cửa chùa để được làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn.
Năm nay, chuyện dâng sao giải hạn ở ngôi chùa này không hề được “giải nhiệt”, thậm chí còn “nóng” hơn bởi vẫn tiếp tục tái diễn hình ảnh người dân tràn ra ngồi kín lòng đường. Thông tin người thu tiền giải hạn ở chùa Phúc Khánh từ chối giải hạn cho một gia đình (450.000 đồng cho 3 người) chỉ vì thiếu 50.000 đồng khiến dư luận càng thêm bức xúc về tính thương mại ở nơi này.
Một nghi lễ từ Trung Quốc
Theo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến, tín ngưỡng dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Lão giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Nó đã theo Lão giáo dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa, đồng thời tín ngưỡng này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt. Họ tin rằng mỗi năm có một vì sao chiếu mệnh.
Cụ thể có 9 sao, gồm có: Thái dương, Thái âm, Mộc đức, Vân hán, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch. Trong 9 ngôi sao có sao tốt, sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mạng, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn. Do đó, phải thực hiện việc cúng dâng sao giải hạn.
Trước đây dân chỉ dâng sao giải hạn ở đền, miếu chứ không ai đến chùa để xin xỏ điều gì. Nhà chùa chỉ là nơi tu hành và phổ biến tinh thần của nhà Phật để chúng sinh sống tốt hơn. Nhưng nay thì họ biến ông Phật thành một ông thần ông thánh để xin xỏ mọi thứ, gây ra sự nhập nhằng lớn giữa tín ngưỡng và tôn giáo trong xã hội.
Phát huy những nét đẹp của văn hóa Phật giáo
Lý giải về việc nhiều nhà chùa đang cúng dâng sao giải hạn trong khi điều này không hề có trong giáo lý nhà Phật, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo VN Trần Đình Sơn cho biết: giáo lý Phật giáo kinh điển hoàn toàn không chỉ dạy, không tán thành việc dâng sao giải hạn.
Nhưng để đáp ứng ước nguyện cầu bình an của người dân, các vị tăng ni chân chính chỉ khuyên phật tử cúng dường, bố thí, phóng sinh. Hoặc có chùa tổ chức đàn Dược sư tụng kinh cầu nguyện trong dịp năm mới, mong chuyển nghiệp xấu thành tốt đẹp, mang lại sự an lành đúng theo giáo lý nhà Phật.
Tuy nhiên, từ ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, nay việc dâng sao giải hạn ở các chùa đã bị thương mại hóa, nhiều nơi lợi dụng sự cuồng tín của dân để trục lợi lớn. Điều này rất cần phải dẹp bỏ.
Lý giải về tình trạng lộn xộn chốn đền chùa hiện nay, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn nói xưa nay theo tinh thần từ bi hỉ xả của nhà Phật, cửa chùa luôn phải mở rộng để quần chúng ra vào, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, trai gái, già trẻ. Do đó những dịp lễ tết quần chúng đến chùa lễ bái, vãn cảnh, tham dự hội hè rất đông đảo.
Trong đó, chỉ có thành phần là phật tử thuần thành biết nghi lễ nhà chùa, còn phần đông theo truyền thống “tam giáo đồng tôn” hoặc tín ngưỡng dân gian, nên dù vào chùa nhưng sinh hoạt rất tùy tiện, phản cảm. Theo ông Sơn, muốn chấn chỉnh sự lộn xộn này, nhà chùa cần hướng dẫn, giải thích cho khách hành hương, khách du lịch hiểu rõ các quy chuẩn sinh hoạt, nghi lễ theo đúng giáo lý đạo Phật.
Nhà chùa cũng nên có những thông báo ghi rõ cho mọi người biết vào chùa không được cúng đồ mặn, vàng mã, không được đốt nhiều nhang đèn… nhằm phát huy những nét đẹp văn hóa Phật giáo.
Thu hàng chục đến hàng trăm tỉ tiền “giải hạn”
Khảo cứu trong nhiều năm về tín ngưỡng dâng sao giải hạn, ông Tiến cho biết vấn nạn này không phải là chuyện riêng, là “đặc sản” của chùa Phúc Khánh mà chùa Bà Đá, đền Quán Thánh… ở Hà Nội cho tới tất cả các chùa từ nông thôn đến thành thị, từ chùa làng tới chùa lớn ở khu vực Bắc Bộ đều làm lễ dâng sao giải hạn vào mỗi dịp đầu năm mới.
Chùa Phúc Khánh niêm yết giá cho lễ dâng sao giải hạn là 150.000 đồng. Các ngôi chùa khác ở Hà Nội có mức giá dao động 150.000 – 500.000 đồng. Với mức giá và số người đăng ký dâng sao giải hạn, ông Tiến ước chừng có chùa đình đám về dâng sao giải hạn mỗi năm thu cả trăm tỉ đồng.
Riêng một chùa ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, con số mà ông có được từ một nguồn tin cậy là năm 2014 đã thu được 40 tỉ đồng tiền dâng sao giải hạn.
Theo Tuoitre
Ngày vía Thần Tài: Sát sinh hàng ngàn cá lóc, mua vàng với giá trên mây
TT.Thích Nhật Từ: Chăm tạo thuận duyên, không trừ nghịch duyên bằng việc cúng sao giải hạn
Vụ nữ sinh giao gà 30 Tết bị sát hại: Tiếng gió rít trong cuộc gọi đêm 30