Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đại diện các địa phương tham dự hội nghị trực tuyến tại 64 điểm cầu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định hội nghị tổng kết năm nay đặc biệt hơn vì sau 5 năm thực hiện nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện cho giáo dục.
Phó thủ tướng cho rằng phải đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục vì còn tồn tại nhiều khâu bất cập; với những thay đổi của thế giới nếu không đổi mới sẽ không thể đi lên.
Đổi mới là một quá trình, không thể như xây một ngôi nhà hay làm một con đường. Từ đó, việc thi cử cũng phải có lộ trình như kỳ thi THPT quốc gia từ 2015 đến 2021.
Khi đổi mới sẽ có những mặt lợi, mặt hại, chúng ta phải cân đối. Đồng thời, Phó thủ tướng khẳng định cần kiên định, không thể vì quá trình có những bất cập mà đi ngược xu hướng thế giới.
Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đề thi chưa thật sự phù hợp kỳ thi THPT quốc gia, có những câu hỏi khó so với yêu cầu của kỳ thi.
Phần mềm chấm trắc nghiệm đã được hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi. Tuy nhiên, còn có kẽ hở trong bảo mật dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.
Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GD&ĐT trong tất cả khâu tổ chức thi tại địa phương, cũng như trách nhiệm của một số địa phương trong việc tổ chức thi, chưa thật sự đầy đủ; còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.
Dựa trên kết quả phân tích dữ liệu điểm thi của các địa phương và tiếp nhận thông tin từ dư luận, Bộ GD&ĐT đã thành lập các tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra, tổ chức chấm thẩm định tại Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Công an và các đơn vị chức năng xác minh làm rõ, xử lý sai phạm, thông báo kết quả chấm thẩm định và thông tin cho thí sinh, các cơ quan truyền thông.
Đồng thời, bộ đề nghị trưởng ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình tổ chức thi tại địa phương, nhất là khâu coi, chấm thi; trong quá trình rà soát nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp, điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay những ngày qua có nhiều thông tin về kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn với những gì chưa đạt được, đồng thời cần cầu thị để sửa đổi. Ông Nhạ mong muốn hội nghị sẽ thiết thực đưa ra được những thống nhất và cùng nhau hành động.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho rằng những năm gần đây, toàn xã hội đã vào cuộc cùng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, giúp giảm chi phí lớn, học sinh từ các vùng xa xôi không bỏ thi. Những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia là điều đáng tiếc khiến dư luận không đồng tình, bởi giáo dục ảnh hưởng trực tiếp tương lai của học sinh. Sở GD&ĐT Phú Thọ mong Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện kỳ thi, hạn chế kẽ hở.Đề nghị rà soát các khâu liên quan đề thi
GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân – cho hay trước những sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia ở địa phương, nhà trường rất lo lắng. Tuy nhiên, kỳ thi là căn cứ quan trọng để quyết định chất lượng đầu vào nhưng không phải tất cả để quyết định chất lượng học. Nhà trường luôn nói với sinh viên rằng sau khi đã nhập học, điểm thi là quá khứ, tương lai phụ thuộc vào việc học tập ở trường.
ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị Bộ GD&ĐT rà soát các khâu trong đề thi, đặc biệt đề thi phải có sự phân hóa nhất định chứ không thể năm quá dễ, năm quá khó.
Ông Đạt cũng cho hay không thể để thí sinh tự do, chiến sĩ cảnh sát cơ động ngồi riêng một phòng thi. Đồng thời, các địa phương không được chấm bài của học sinh tỉnh mình, phải chấm theo cụm và có những giải pháp về kỹ thuật.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 1/8, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết cơ quan công an đang điều tra sai phạm điểm thi ở Sơn La và ông tin sẽ khôi phục được điểm thi gốc để trả lại công bằng cho thí sinh.
Sáng cùng ngày, đánh giá vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là những sai phạm rất nghiêm trọng, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm tại phiên họp Chính phủ.
Nói về vụ gian lận xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá đó là những sai phạm rất nghiêm trọng. Ông đã báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.