Sáng 2/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Hội nghị trực tuyến diễn ra tại Hà Nội và 63 điểm cầu ở địa phương.
Trong báo cáo tham luận về công tác giáo dục và đào tạo TP.HCM năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất cho phép ngành giáo dục thành phố được hưởng những cơ chế đặc thù nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM và ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì hội nghị tại đầu cầu TP.HCM. |
Cụ thể, thành phố đề xuất sở GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm với UBND thành phố tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nhà trường và giáo viên, giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sin. Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
Các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần có sự linh hoạt trong một số quy định như định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt, học một, hai buổi hoặc cả ngày để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của những địa phương khó khăn.
Đề xuất cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương.
Nhằm giải quyết vấn đề thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng cho phép xây dựng thí điểm các dự án trường học ở khu vực nội thành không còn quỹ đất, được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn.
Trước đó, năm 2016, ngành giáo dục TP.HCM từng kiến nghị với Bộ GD&ĐT cho phép thành phố thực hiện thí điểm việc tự xét tốt nghiệp THPT. Phương án được đưa ra là thành phố tự ra đề thi, cơ cấu các môn thi có thể gồm 2 môn Văn, Toán (hoặc 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn để xét tốt nghiệp.