Sẽ ra sao nếu một ngày ta nhận ra mình đã bị bạo hành dưới danh nghĩa yêu thương? Liệu câu chuyện tổn thương của ta chỉ là nỗi đau mang tính cá nhân hay là bi kịch chung của một cộng đồng?
Stephanie Foo – một nhà báo, một người Mỹ gốc Malaysia, và cũng là một người sống sót sau Rối loạn Căng thẳng Sau Sang chấn Phức tạp – đã vẽ nên một bức tranh đa sắc màu về hành trình ‘sống sót’ của chính mình trong cuốn sách “Nơi vết thương ánh sáng rọi vào” (tựa gốc: What My Bones Know: A Memoir of Healing from Complex Trauma).
Khi bạo lực núp bóng yêu thương
Stephanie Foo mới hai tuổi rưỡi khi gia đình rời Malaysia đến định cư ở California. Gia đình cô không đến Mỹ để chạy trốn mà để vươn lên. Cha Stephanie – một người đàn ông Malaysia gốc Hoa – luôn nung nấu “giấc mơ Mỹ” và nỗ lực để gia đình được sinh sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở San Jose, nơi có sân thượng và hồ bơi, nằm gần nhiều trường học chất lượng. Mọi thứ đều có vẻ rất hoàn hảo nếu chỉ nhìn bên ngoài. Nhưng khi mở cánh cửa căn hộ xinh đẹp ấy ra, ta sẽ thấy một hiện thực hoàn toàn khác.
Trong suốt thời thơ ấu, Stephanie luôn phải chịu đựng sự bạo hành về thể xác lẫn tinh thần từ cha mẹ. Cô bé luôn nỗ lực vâng lời, cố gắng tỏ ra là một đứa trẻ ngoan ngoãn và hiểu chuyện, nhưng thứ cô bé nhận lại được không phải là tình yêu thương mà là trách nhiệm của một người chăm sóc và xoa dịu những tổn thương tinh thần của cha mẹ mình.
Sự bạo hành về thể xác lẫn tinh thần của cha mẹ đã khiến Stephanie mắc chứng Rối loạn Căng thẳng Sau Sang chấn Phức tạp – Complex PTSD (C-PTSD), còn gọi là PTSD Phức tạp. Lâu nay, chúng ta thường chỉ biết đến PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) và những hệ lụy của nó, còn với khái niệm C-PTSD thì dường như lạ lẫm. Thậm chí, nó chưa được công nhận là một chẩn đoán riêng biệt trong DSM-5 và DSM-5-TR.
Nhiều người thường nhầm lẫn hoặc đồng nhất C-PTSD với PTSD thông thường. Tại Việt Nam, ngoại trừ một vài bài viết riêng lẻ, chưa có sách vở hay hệ thống tài liệu nào nghiên cứu sâu về C-PTSD. Có thể nói, “Nơi vết thương ánh sáng rọi vào” là tác phẩm đầu tiên cung cấp bức tranh hoàn chỉnh về căn bệnh này.
Nếu PTSD thông thường liên quan đến một khoảnh khắc sang chấn thì người bị C-PTSD thường đã trải qua lạm dụng liên tục – tức là sang chấn xảy ra trong thời gian dài, trong nhiều năm. Việc bị lạm dụng khi còn nhỏ là một nguyên nhân thường gặp của PTSD phức tạp.
“Nơi vết thương ánh sáng rọi vào” không phải là một cuốn sách dễ đọc. Những trang viết miêu tả về quá khứ bị lạm dụng và bạo hành của Stephanie khiến người đọc phải nhiều lần khựng lại vì nặng nề và đau đớn. Nhưng với lối viết giao thoa giữa kể chuyện và cung cấp thông tin khoa học, Stephanie Foo đã phác họa cho chúng ta thấy một câu chuyện chân thật, sâu sắc về C-PTSD và tác động của nó lên cuộc sống của người trưởng thành.
C-PTSD không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của Stephanie, từ việc lo lắng, khó điều tiết cảm xúc, chán ghét bản thân, mà còn gây khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ, có xu hướng gây hấn với người khác, hay có mối quan hệ không lành mạnh với người lạm dụng mình… Nhưng đòn chí tử của sang chấn là nó khiến một người cảm thấy bản thân không xứng đáng được yêu thương.
Và còn một thứ khiến sự khốn khổ của chứng C-PTSD khác biệt so với các chứng rối loạn do sang chấn khác: khi trải qua sự kiện đau đớn lặp đi lặp lại – hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần – trong suốt nhiều năm, số lượng tác nhân kích hoạt ở cả tầng ý thức và tiềm thức sẽ chồng chất lên nhau, trở thành vô tận và không thể lý giải. Nếu bạn bị đánh vì hàng trăm lỗi lầm thì lỗi lầm nào cũng trở thành mối nguy hiểm với bạn. Nếu hàng chục người làm bạn thất vọng, thì tất cả mọi người xung quanh đều trở thành bất tín. Và rồi bản thân thế giới này cũng trở thành một mối đe dọa. Vì có vô số tác nhân kích hoạt, nên C-PTSD sẽ khó chữa hơn PTSD thông thường.
Việc bị cha mẹ lạm dụng, bạo hành, bỏ rơi đã để lại một lỗ hổng bên trong tâm hồn của Stephanie, nên dù bao nhiêu năm trôi qua, dù áp dụng bao nhiêu phương pháp chữa trị cũng chỉ như “trát những lớp thạch cao trắng muốt không tỳ vết lên để trám vào những lỗ hổng toang hoác trong cốt tủy mà thôi”.
Khi nhìn vào một nỗi đau, một chứng bệnh, ta có thể dễ dàng nhìn thấy biểu hiện bề mặt của nó, nhưng còn bao nhiêu điều ẩn dưới nỗi đau đó? Có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự dám mổ xẻ vết thương của mình ra để nhìn về nỗi đau của cha mẹ, của ông bà và thậm chí là của cụ cố? Stephanie không chỉ nhìn vào nỗi đau của bản thân, cô còn truy vấn đến cùng gốc rễ của nỗi đau. Để rồi từ câu chuyện cội nguồn, cô nhận ra những sự thật đau lòng của đói nghèo, chiến tranh và cả “giấc mơ Mỹ” được ngợi ca.
Những đau đớn cứ trải dài trên những trang giấy, và khi nhìn vào đó, ta không chỉ thấy nỗi đau của một cá nhân nữa, nó là nỗi đau của nhiều thế hệ – một nỗi đau đến từ gốc gác, xứ sở của họ. Như Stephanie đã tóm gọn trong mấy câu ngắn ngủi: “Tôi là sản phẩm của cả một xứ sở. Tôi là một trong số rất nhiều người. Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân của một cộng đồng rối loạn chức năng rất giỏi kìm nén bản thân trong khi lẩm bẩm ‘Hãy biết cười trong nước mắt. Phải biết ngậm đắng nuốt cay’.”
Đi cùng mất mát luôn là chiến công
Việc chấp nhận bản thân mắc bệnh tâm lý vốn chẳng dễ dàng, nhưng hành trình để chữa trị dường như còn khó khăn gấp bội. Stephanie Foo đã thử nhiều phương pháp khác nhau để hồi phục, bao gồm liệu pháp tâm lý, yoga, thiền, và các liệu pháp dựa trên khoa học thần kinh. Có lúc cô thấy mình đã ổn, rồi chẳng bao lâu sau, cô lại chìm xuống một hố sâu khác và cảm thấy bản thân là một kẻ thất bại, một “phiên bản lỗi”.
Ở trong hành trình chữa lành, bạn không chỉ phải học cách chấp nhận vết thương của mình, dịu dàng với đứa trẻ trong quá khứ, mà còn phải từng bước mở lòng tin tưởng và cho phép bản thân được sai lầm… Những điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng với những người mắc C-PTSD, đây lại là ngọn núi rất khó để vượt qua. Do tính chất lặp đi lặp lại nên về bản chất C-PTSD là sang chấn trong các mối quan hệ. Nói cách khác, đây là tổn thương do mối quan hệ không tốt với người khác – những người lẽ ra phải quan tâm và đáng tin cậy nhưng thay vào đó lại gây tổn thương cho ta. Điều đó có nghĩa là người mắc C-PTSD sẽ gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ với bất kỳ ai vì trong tiềm thức của họ đã ăn sâu một niềm tin rằng người khác là không thể tin tưởng được.
Có một hiểu lầm tai hại với những người đang vật lộn với C-PTSD, ấy là cho rằng chữa lành chỉ thật sự đến khi ta không còn cảm thấy buồn bã hay thất vọng. Nhưng chữa lành không đồng nghĩa với việc không còn cảm thấy gì nữa, mà là cảm nhận được những cảm xúc phù hợp ở những thời điểm phù hợp, và luôn có khả năng trở lại là chính mình. Tất cả mọi cảm xúc đều có ý nghĩa. Nỗi buồn là cần thiết để xử lý nỗi đau. Nỗi sợ giữ cho ta an toàn. Loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc này không những bất khả thi mà còn gây hại nữa.
Như đoạn kết của một câu chuyện cổ tích, Stephanie Foo không chỉ tái sinh từ đống tro tàn mà còn tìm thấy một người chồng yêu thương, một gia đình ấm áp, và cả một cộng đồng dành cho cô. Nhưng không phải phép màu từ một đáng thần linh nào cả, tất thảy những gì mà cô đạt được đến từ việc cô đã dũng cảm chiến đấu và kiên trì bước qua từng rạn nứt của quá khứ.
Đọc “Nơi vết thương ánh sáng rọi vào”, ta thấy tài năng của Stephenie nằm ở chỗ, cô không biến cuốn sách của mình trở thành một bản cáo trạng quá khứ hay một cuốn cẩm nang tâm lý khô khan, ngược lại, đan cài trong những khái niệm khoa học lạ lẫm là những câu chữ đậm màu văn chương. Vì lẽ đó, cuốn sách không chỉ cuốn hút về mặt câu chuyện mà còn khiến ta phải xuýt xoa vì những câu văn đầy cảm xúc.
* Về tác giả:
Stephanie Foo là người Mỹ gốc Malaysia. Cô là nhà văn và là nhà sản xuất chương trình radio, gần đây nhất cô làm việc cho kênh This American Life. Tác phẩm của cô đã được phát sóng trên Snap Judgement, Reply All, 99% Invisible và Radiolab, đồng thời các bài viết của cô đã được đăng trên Vox và The New York Times. Là một diễn giả và người hướng dẫn được biết đến rộng rãi, cô đã giảng dạy tại Đại học Columbia và đã diễn thuyết tại nhiều nơi từ Liên hoan phim Sundance đến Sở Sức khỏe Tâm thần Missouri. Hiện cô sống ở thành phố New York.
Gia huy (theo TTV)