Về trang chủ Văn hóa Nhà báo Nguyễn Hồng Lam tiết lộ nguyên nhân số lượng phóng sự điều tra ngày càng giảm

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam tiết lộ nguyên nhân số lượng phóng sự điều tra ngày càng giảm

Góp mặt trong chương trình Kính Đa Chiều, nhà báo Nguyễn Hồng Lam chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến số lượng, chất lượng các bài phóng sự, điều tra ngày càng giảm.

Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều mới đây, nhà báo Nguyễn Hồng Lam – người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề, vừa có những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc về thực trạng phóng sự điều tra hiện nay.

Theo nhà báo Nguyễn Hồng Lam, vào thời kỳ hoàng kim của báo in, lúc chưa có Internet, phóng sự rất phát triển nhưng chỉ có khoảng 5% nhà báo có khả năng thực hiện các tác phẩm điều tra đích thực. Đến nay, khi mạng xã hội, báo điện tử phát triển mạnh mẽ, số lượng tác phẩm phóng sự điều tra lại càng giảm sút.

Clip Nhà báo Nguyễn Hồng Lam tiết lộ chỉ khoảng 5% phóng viên có khả năng thực hiện phóng sự điều tra đích thực:

https://youtu.be/Z59gLj5SNfg

Nguyên nhân đầu tiên nằm ở áp lực thời gian. Nếu như trước đây, nhà báo có thể dành cả tháng để đi điều tra, thu thập tư liệu để thực hiện một phóng sự thì bây giờ, một đề tài vừa đăng ký trong cuộc họp giao ban buổi sáng thì chiều cùng ngày đã phải hoàn thành. Theo nhà báo Nguyễn Hồng Lam, với thời gian ít ỏi ấy không đủ để thực hiện một phóng sự, điều tra chất lượng. Ngoài ra, thời gian gấp gáp không chỉ ảnh hưởng đến quy trình tác nghiệp mà còn tác động đến khả năng tư duy đề tài. Bởi phóng sự điều tra vốn mang tính đề tài, chuyên đề, cần phải khai thác từ nhiều chiều nên thời gian hạn hẹp sẽ không đủ đáp ứng.

Nguyên nhân thứ hai khiến phóng sự điều tra gặp khó là rào cản về quyền phát ngôn. Theo nam nhà báo, hầu như cơ quan, đơn vị nào cũng có phân quyền phát ngôn. Điều này là một hạn chế rất lớn đối với các phóng viên tự thu thập dữ liệu, tự chịu trách nhiệm trước thông tin mà họ đưa. Do đó, số lượng phóng sự, nhất là thể loại điều tra sẽ bị giảm.

Nguyên nhân thứ ba mà nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho rằng số lượng lẫn chất lượng các bài phóng sự, điều tra đang bị giảm xuống là vì các cơ quan báo chí đang bị “dễ dãi hóa”. “Trong thực tế, rất nhiều tác phẩm báo chí, truyền hình, báo viết, phát thanh dán nhãn phóng sự, điều tra báo chí nhưng thật ra chỉ là một bài viết tường thuật về một câu chuyện nào đó”, nhà báo Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh.

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: “Có hai khái niệm là feature writing và reported. Reported là tường thuật về câu chuyện xảy ra mà không có đặc điểm đặc trưng nhưng vẫn cứ gắn vào thể loại phóng sự mà không ai để ý hay thắc mắc. Vậy nên phóng sự đang bị nhạt về tính đặc trưng và không đảm bảo được yêu cầu của thể loại phóng sự. Ngay cả khi mang tác phẩm dự thi giải báo chí thì cũng đưa vào cùng một nhóm phóng sự, điều tra, ký, ghi chép,… Rất nhiều thể loại nhưng lại cùng một tiêu chí xét cho giải thưởng mà không phân biệt giữa ghi chép với phóng sự hay giữa bài tường thuật với điều tra. Sự dễ dãi đó làm cho chất lượng phóng sự điều tra bị giảm xuống”, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho biết thêm.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhà báo Nguyễn Hồng Lam còn cho rằng nội dung phóng sự điều tra trên tờ báo cũng dần giảm tính phản biện, điều tra của báo chí. Có bài còn đặt tên rất kiêu nhưng nội dung lại thiếu chiều sâu, “nghèo nàn” về dữ liệu thông tin, chưa bảo đảm được tính điều tra nhưng lại dán nhãn phóng sự điều tra. Đó là sự khiên cưỡng.

Theo quan sát của nhà báo Nguyễn Hồng Lam, số lượng phóng sự, điều tra thực thụ trên các tờ báo như Tuổi Trẻ, Lao Động, Thanh Niên, An Ninh Thế Giới,… gần đây khá ít và chưa đạt mức tìm ra nguyên nhân, bản chất vấn đề và đề xuất giải pháp như cốt lõi một bài phóng sự cần phải có.

Do đó, có thể thấy để thực hiện một bài phóng sự đúng nghĩa không hề đơn giản. Bởi áp lực công việc và thời gian dần dồn phóng viên đi vào ngõ hẹp. Nhà báo Nguyễn Hồng Lam lấy ví dụ, trên thế giới có nhiều tác phẩm phóng sự mất nhiều thời gian để thực hiện như phóng sự Dưới đáy sao, viết về đời sống của người lao động nhập cư trái phép từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Đức. Loạt phóng sự ấy sau đó được tổng hợp thành sách và đó là một tác phẩm văn học.

Hay trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhà báo Ilya Ehrenburg viết rất nhiều phóng sự về mặt trận chống Đức và tập hợp thành một bộ sách gồm 3 tập, mỗi tập dày 450 trang, có tựa là Tuyết bỏng. “Như vậy, có thể thấy phóng sự là thể loại thông tấn gần với văn chương nhất khi chuyển thông điệp đến với người đọc, người xem. Như tôi nói, từ sự kiện nhìn ra vấn đề nhưng mục đích là truyền tải thông điệp, ý nghĩa nhân sinh, phục vụ cho cuộc sống”, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho biết.

Cuối chương trình Kính Đa Chiều, MC Minh Ngọc gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến nhà báo Nguyễn Hồng Lam vì giúp khán giả hiểu rõ về công việc của một nhà báo, đặc biệt là thể loại phóng sự, điều tra.

Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Những biểu tượng ý nghĩa ở Chùa Hoa với sự tham gia của host Lê Hoàng và Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 3/7/2025 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

Gia Anh (theo TTV)

Có thể bạn quan tâm