Về trang chủ Giải trí Câu Chuyện Cuộc Sống: Vượt qua sự cô đơn trong thế giới ảo

Câu Chuyện Cuộc Sống: Vượt qua sự cô đơn trong thế giới ảo

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Đừng để so sánh làm ảnh hưởng tới hôn nhân, Duy trì năng lượng tích cực trong gia đình, Vượt qua sự cô đơn trong thế giới ảo.

Đừng để so sánh làm ảnh hưởng tới hôn nhân

Trong hôn nhân, việc so sánh dù vô ý hay có chủ đích đều dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Thực tế, khi vợ hoặc chồng liên tục đưa ra những so sánh giữa bạn đời với người khác, điều này không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương mà còn tạo nên bầu không khí căng thẳng, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, thậm chí hôn nhân có thể bị đổ vỡ.

Chuyên gia Trương Tấn Tài – Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam – chia sẻ: “Việc so sánh giống như một con dao hai lưỡi, nếu so sánh theo hướng tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển, tuy nhiên nếu so sánh theo chiều hướng tiêu cực sẽ dẫn đến nhiều điều bất ổn trong đời sống hôn nhân. Khi chúng ta đưa câu chuyện lên bàn cân để so sánh, đặc biệt là khi so sánh người bạn đời của mình với một ai đó, điều này vô tình sẽ làm người ấy cảm thấy bất mãn hoặc cảm thấy họ bị thiếu tôn trọng, niềm tin và cảm thấy bản thân bị đánh giá thấp. Việc so sánh còn gây ra một áp lực vô hình cho họ”.


ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Nếu một người phụ nữ vừa làm việc công sở, vừa phải làm việc nhà hay dạy dỗ con cái thì tất cả những điều đó sẽ làm người phụ nữ kiệt sức, và điều này ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Phân công việc nhà sao cho phù hợp với khả năng hoặc sở thích của từng người để cùng nhau gánh vác và cả hai không cảm thấy mệt nhọc”.

 Chuyên gia Trương Tấn Tài – Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam – cho biết, hãy ngừng so sánh trong hôn nhân, điều này cần sự hợp tác từ hai phía. Chúng ta cần nhìn nhận việc so sánh không mang lại lợi ích và nó chỉ mang lại những bất ổn, thậm chí là tạo ra sự xa cách giữa hai người. Cứ mỗi lần so sánh, chúng ta đã gieo một hạt mầm không tốt vào tâm trí đối phương, về lâu dài sẽ trở thành hình ảnh không tốt và khiến người bị so sánh cảm thấy tự ti cũng như không được tôn trọng. Thay vì những điểm đối phương chưa tốt, thì chúng ta nên tập trung vào điểm tốt của nhau và công nhận chúng, khi những điểm tốt ấy đủ lớn thì những điểm hạn chế còn lại sẽ không còn cơ hội để xuất hiện.

Góp ý để đối phương tốt hơn khác với việc so sánh theo hướng tiêu cực, thay vì so sánh chúng ta nên biết trân trọng những nỗ lực của đối phương. Đừng để hôn nhân bị chi phối bởi những so sánh mà hãy xây dựng dựa trên tình yêu, sự hiểu biết và cảm thông, từ đó giúp gia đình thêm gắn bó và hạnh phúc hơn.

Clip Đừng để so sánh làm ảnh hưởng tới hôn nhân: https://www.youtube.com/watch?v=5mvfayfNhxA

Duy trì năng lượng tích cực trong gia đình

Gia đình là điểm tựa tinh thần, là nơi ta tìm lại sự bình yên và khôi phục năng lượng sau những vất vả lo toan. Một không khí gia đình tích cực, yêu thương và thấu hiểu chính là điều nuôi dưỡng cảm xúc, giúp mỗi thành viên cảm thấy được nâng đỡ và gắn bó hơn. Nhưng giữa nhịp sống thường ngày, làm sao để duy trì, chia sẻ và kết nối?

Chị H.L.T (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi và con tôi trở thành nơi xả giận của anh ấy, dù thấu hiểu nhưng tôi cũng rất mệt mỏi. Nhiều lúc anh ấy vô lý đến mức làm gì anh ấy cũng không vừa ý, có những lúc không chịu được nữa nên tôi và anh ấy cùng nhau lời qua tiếng lại”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Cảm xúc sẽ luôn được biểu hiện ra bên ngoài, bằng lời nói hoặc hành động. Cho nên khi bố mẹ có trạng thái tinh thần và cảm xúc tích cực từ bên trong, thì thông qua lời nói và hành vi của bố mẹ với con cái qua đời sống hàng ngày sẽ thoải mái và ấm áp hơn. Bố mẹ sẽ dễ nói lời cảm ơn con, ghi nhận một điểm tốt nào đó trong hành vi của con hoặc có thể sẽ khen ngợi con khi con làm bố mẹ hài lòng. Nếu những hành động này diễn ra thường xuyên sẽ giúp cho đứa trẻ có sự tự tin về bản thân và cảm xúc tích cực về bản thân”.

Thạc sĩ Huỳnh Trần Hoài Đức (chuyên gia tâm lý) cho biết, trong các mối quan hệ gia đình thường quá gần gũi, nên chúng ta dễ xem thường những chi tiết nhỏ hay không thực hiện những lời cảm ơn hoặc xin lỗi cần thiết. Điều này làm chúng ta quên đi việc mình cần phải trân trọng những giá trị trong mối quan hệ ngay bên cạnh chúng ta. Giữa vợ và chồng, một cử chỉ đẹp hay câu nói quan tâm cũng làm cho đối phương có một cảm xúc tích cực, điều này góp phần gắn kết và giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

Duy trì năng lượng tích cực trong gia đình có thể đến từ những điều giản dị, như một lời hỏi han cần thiết, một ánh mắt cảm thông. Khi mỗi người trong gia đình đều chủ động trao cho nhau sự ấm áp, quan tâm và tin cậy, tổ ấm không chỉ là nơi để trở về mà còn là điểm tựa tinh thần, nơi tiếp thêm sức mạnh để chúng ta vững vàng và tự tin hơn trong cuộc sống.

Clip Duy trì năng lượng tích cực trong gia đình: https://www.youtube.com/watch?v=jx27qned5wg

Vượt qua sự cô đơn trong thế giới ảo

Trong thời đại công nghệ số, chỉ với một chạm đã có thể kết bạn với hàng trăm, hàng ngàn người trên thế giới. Thế nhưng, khi thế giới ảo mang đến cơ hội kết nối chưa từng có, thì nghịch lý chính là có không ít người cảm thấy cô đơn trong thế giới ấy. Liệu rằng những cuộc trò chuyện trực tuyến, hay những lượt thích trên mạng xã hội có thực sự giúp tâm hồn con người bớt trống trải hay chỉ là những tương tác thoáng qua? Và những kết nối ấy có đủ sức thay thế những cái bắt tay, cuộc trò chuyện trực tiếp hay những phút giây sẻ chia ngoài đời thực?

Anh T.H.N (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng nghĩ rằng mạng xã hội giúp tôi bớt cô đơn hơn, tôi dành cả ngày chỉ để lướt mạng và trò chuyện online. Càng lướt, tôi càng cảm thấy đắm chìm trong các bài đăng, các lượt thích và thả tim thì tôi lại càng thấy trống rỗng, không ai thực sự hiểu tôi, tôi không biết mình đang sống vì điều gì. Thậm chí, tôi ngày càng cảm thấy trầm cảm hơn”.

 Em H.T.L (Vĩnh Long) chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ cắm mặt vào game để quên đi stress. Nhưng trong game không có ai thực sự quan tâm tôi, cho đến khi tham gia lớp vẽ, tôi được gặp những người bạn mới, được chia sẻ và cảm thấy bản thân có giá trị hơn. Hiện tại, em đã biết cách cân bằng giữa thế giới ảo và thực tế”.

Thạc sĩ Trần Quang Trọng – Khoa Tâm lý Lâm sàng – Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ: “Nếu chúng ta ngày càng chú trọng và tập trung vào mạng xã hội, chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào nó. Và khi thiếu đi mạng xã hội thì chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, nên đối với những bạn có quỹ thời gian hạn hẹp thì nên dành ra một khoảng thời gian có những hoạt động ngoại tuyến, không liên quan đến mạng xã hội như chơi thể thao, ra ngoài đi dạo. Hạn chế dành thời gian quá nhiều cho các trang mạng xã hội, nếu có nên dành thời gian cho các trang mạng xã hội có ý nghĩa tích cực thay vì những trang mạng có nội dung vô bổ, đồng thời tập trung vào giao tiếp với xã hội bên ngoài”.

Vượt qua sự cô đơn trong thế giới ảo là hành trình tìm lại chính mình và những kết nối chân thật từ sâu trong tâm hồn. Mỗi bước nhỏ từ việc tắt màn hình điện thoại để trò chuyện với người thân, đến việc tham gia một hoạt động cộng đồng đều là cách để chúng ta xây dựng cuộc sống ý nghĩa hơn.

Clip Vượt qua sự cô đơn trong thế giới ảo: https://www.youtube.com/watch?v=bOeaOU8bmkI

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

 

 

 

Gia Huy (theo TTV)

Có thể bạn quan tâm