Hãng sẽ bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ sừng sỏ như Amazon và Google.
Người khổng lồ Internet của Trung Quốc – Alibaba đã xây dựng được khả năng điện toán đám mây thông qua hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình. Giờ đây hãng cũng kỳ vọng bằng cách tương tự sẽ thu hút được một lượng lớn khách hàng ở Singapore và khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia vào nền tảng của mình.
Alibaba đang lên kế hoạch thành lập một trung tâm trưng bày sản phẩm tại Singapore để giới thiệu các công nghệ “bán lẻ mới” như trả tiền cho mọi thứ bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và mua sắm sử dụng gương được trang bị khả năng thực tế ảo.
Điều này xuất hiện ngay cả khi Alibaba sẽ phải bước vào một cuộc chiến với các ông lớn trong công nghệ điện toán đám mây như Google và Amazon với một chương trình mở rộng các sản phẩm công nghệ cao cho các khách hàng quốc tế của mình.
Ông Leon Chen, giám đốc đại diện của Alibaba Cloud tại Singapore và Indonesia, nói với Channel NewsAsia bên lề Hội nghị thượng đỉnh Alibaba Cloud 2018 tổ chức ở Singapore rằng theo kế hoạch bản thử nghiệm sẽ ra mắt vào tháng 9 và nhiều chi tiết khác sẽ được tiết lộ cận kề mốc thời gian này.
Một giám đốc khác của Alibaba Cloud, tiến sĩ Derek Wang, đã nói trong một cuộc phỏng vấn riêng rằng trung tâm demo sẽ được sử dụng để giới thiệu các công nghệ điện toán đám mây hiện đang được sử dụng tại các siêu thị Hema ở Trung Quốc, cũng như các đối tác khác như cửa hàng thời trang trực tuyến của Úc – The Iconic.
Iconic sử dụng chức năng tìm kiếm hình ảnh của Alibaba để cung cấp tính năng Snap to Search cho phép người tiêu dùng chụp ảnh một mặt hàng quần áo rồi tìm kiếm và mua sản phẩm đó thông qua ứng dụng của hãng.
Hiện tại có hơn 1 triệu khách hàng trả tiền trên nền tảng đám mây của Alibaba trên toàn cầu, nhưng công ty không thể cung cấp chi tiết về khách hàng ở Singapore.
Cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ
Khai mạc sự kiện còn có sự tham gia của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, cũng là Bộ trưởng phụ trách sáng kiến Quốc gia Thông minh.
Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Tiến sĩ Balakrishnan lưu ý rằng Alibaba Cloud thực sự là “chậm chân trong cuộc chơi”. Mảng đám mây của Alibaba ra đời từ năm 2009 nhưng chỉ thực hiện bước đột phá đầu tiên vươn ra khỏi Trung Quốc khi thành lập trụ sở quốc tế tại Singapore vào năm 2015.
Chủ tịch Alibaba Cloud – Simon Hu đã có một bài báo năm 2015 với Reuters cho biết mục tiêu của đơn vị là “vượt qua Amazon trong bốn năm, cho dù đó là về khách hàng, công nghệ hay quy mô toàn cầu”.
Khi được hỏi liệu có động thái cập nhật về mốc thời gian của mục tiêu đó không, Tiến sĩ Wang cho biết khoảng cách giữa họ và những doanh nghiệp khác như Amazon Web Services (AWS), Google Cloud và dịch vụ đám mây của Microsoft “đang dần thu hẹp”.
Ông đã chỉ ra bốn điểm khác biệt mà công ty đã so sánh với những gì hiện có trên thị trường hiện nay, đầu tiên là nó có nhiều trung tâm dữ liệu nhất ở Châu Á Thái Bình Dương. Nó có các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Úc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ, theo trang web của công ty.
Khi so sánh, Google có sự hiện diện của trung tâm dữ liệu tại các thị trường như Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và Úc trong khi AWS có các cơ sở như vậy ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tiến sĩ Wang cũng chỉ ra rằng Alibaba Cloud đang “địa phương hóa sâu sắc”, và một ví dụ về điều này là cam kết xây dựng các nhóm nghiên cứu ở các thị trường riêng lẻ với các học viện.
Alibaba cũng mới ký biên bản ghi nhớ với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để cho phép sinh viên thực tập tại công ty và thu được kiến thức trong các lĩnh vực như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, phân tích kinh doanh và trí thông minh nhân tạo (AI).
Điểm khác biệt thứ ba là trong các sản phẩm mà họ đang cung cấp.
Tại hội nghị thượng đỉnh, Alibaba Cloud đã giới thiệu chín sản phẩm trên toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như Internet Vạn vật, phân tích dữ liệu và Dịch vụ Anti-Bot. Công ty này giúp các công ty như AirAsia hoặc các công ty đặt vé du lịch trực tuyến giải quyết các vấn đề về “phe vé trực tuyến” – vấn nạn khiến các khách hàng thực sự gặp nhiều khó khăn khi giao dịch. Đây là một công cụ để giải quyết một vấn đề nổi cộm cụ thể trong ngành, và không được cung cấp bởi các nhà cung cấp đám mây khác, Tiến sĩ Wang nói.
Cuối cùng, Wang chỉ ra chiến lược “Go China” của Alibaba, về cơ bản là dõi theo các khách hàng tiềm năng muốn thâm nhập vào những khả năng và công cụ của thị trường Trung Quốc mà Alibaba có, chẳng hạn như dịch vụ hậu cần và thanh toán như Alipay.
Theo Trí thức trẻ-Chanel News Asia-Cafef