Một trong những định hướng mà Chính phủ đặt ra cho Bà Rịa – Vũng Tàu là hình thành khu thương mại tự do gắn với Cái Mép Hạ. Đây được kỳ vọng là cơ hội lớn để tỉnh khai thác tối đa các tiềm năng từ cảng biển, công nghiệp. Từ đó tạo nên bước đột phá về phát triển kinh tế, xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Chủ trương lớn
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghị quyết 24 nêu rõ: Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ không chỉ là cơ chế ưu đãi cho Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn là động lực phát triển cho toàn vùng Đông Nam Bộ. Khu thương mại này sẽ giúp Việt Nam nói chung, Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa và gia tăng đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lựa chọn Cái Mép Hạ là vị trí hình thành khu thương mại tự do căn cứ vào những lợi thế tự nhiên nổi bật. Cảng Cái Mép-Thị Vải là một trong 21 cảng lớn nhất thế giới, có thể tiếp nhận các siêu tàu container và kết nối trực tiếp với châu Mỹ, châu Âu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của khu thương mại này.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về việc hình thành và xây dựng khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ là một chủ trương hết sức đúng đắn.
Với đặc thù của Khu thương mại tự do có thể huy động được tiềm năng của Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả khu vực Đông Nam bộ nói chung. Chúng ta sẽ có những lợi thế liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, quản lý thương mại, các doanh nghiệp sẽ gặp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh trong khu thương mại tự do này. Bà Minh cho biết thêm.
Còn ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp rất tin tưởng khu thương mại tự do ở Bà Rịa – Vũng Tàu, không chỉ giúp cho doanh nghiệp logistics phát triển đột phá trong tương lai mà còn tạo động lực phát triển cho ngành dịch vụ cảng biển của Việt Nam.
Đây là một động lực to lớn, thúc đẩy nền kinh tế nói chung cũng như dịch vụ logistic nói riêng không chỉ cho vùng Đông Nam bộ mà cho cả Việt Nam. Điều này cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách và tạo doanh thu cho các doanh nghiệp logistics, ông Thành chia sẻ thêm.
Cánh tay nối dài của các cảng biển
Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động. Tỉnh đã cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích hơn 2.200ha, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối Vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng.
PGS-TS Hồ Thị Thu Hoà, thành viên Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết, hiện 6 tỉnh, thành ở Đông Nam bộ đã có quy hoạch liên quan đến trung tâm logistics. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đầu tiên có trung tâm Logistics là khu Cái Mép Hạ, được kỳ vọng như một cánh tay nối dài của các cảng biển tại khu vực Đông Nam bộ.
Trung tâm logistics này là kỳ vọng để chúng ta xây dựng, phát triển, hình thành Khu thương mại tự do tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu gắn liền với hệ thống cảng biển. Cũng có thể thấy, sự gắn kết của chặt chẽ giữa trung tâm logistics và hạ tầng giao thông đường biển, hàng không cho chúng ta tiềm năng phát triển hệ sinh thái logistics tích hợp. PGS-TS Hoà nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh cho rằng, quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ là bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics không chỉ ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà cả vùng Đông Nam bộ.
Việc sớm hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép Hạ kết nối một cách đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải, tạo ra một lợi thế cạnh tranh của quốc gia, để làm mới động lực cũ – tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ – công nghiệp – đô thị trên trục hàng lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép Hạ. Bí thư Thanh nhấn mạnh.
Với lợi thế vượt trội về cảng biển, hạ tầng giao thông và thu hút FDI, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đứng trước cơ hội lớn tiến đến thành lập khu thương mại tự do, thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đây được kỳ vọng là đòn bẩy mạnh mẽ, góp phần vào hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khu cảng Cái Mép – Thị Vải.