Nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục nhận được sự chú ý của thị trường khi giá của 4/5 mặt hàng giao dịch đều tăng. Riêng giá cà phê Robusta tiếp tục neo tại mức đỉnh lịch sử. Bên cạnh đó, hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim giá cũng tăng nhẹ. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index đi ngang ở mức 2.178 điểm.

Giá cà phê Robusta neo đỉnh lịch sử

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục chứng kiến sự bao trùm bởi sắc xanh với 4 trên 5 mặt hàng tăng giá. Hôm qua, Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE US) nghỉ Lễ Tạ ơn, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nghỉ giao dịch.

Giá cà phê Robusta tăng nhẹ 0,6%, tiếp tục neo tại mức đỉnh lịch sử trong bối cảnh cà phê Arabica nghỉ giao dịch. Thông tin trên thị trường không có cập nhật mới, giá cà phê tiếp tục neo cao nhờ lo ngại về nguồn cung tại các nước sản xuất chính và sự dịch chuyển dòng tiền liên thị trường.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (29/11) ghi nhận ở mức 128.000 – 128.800 đồng/kg, tăng 1.700 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá đã tăng gấp đôi.

Trong một diễn biến khác, giá đường trắng giảm 0,7% so với tham chiếu, bất chấp sản lượng đường thu hẹp tại Brazil. Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil cho biết, sản lượng đường niên vụ 2024 – 2025 của nước này dự kiến đạt 44 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với vụ trước.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ dự báo sản lượng đường niên vụ 2024 – 2025 của Brazil xuống còn 43 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với dự đoán ban đầu và thấp hơn 2,5 triệu tấn so với niên vụ 2023 – 2024. Thời tiết cực đoan với khô hạn kỷ lục, cùng những đám cháy lớn gây thiệt hại lên mùa vụ hiện tại.

Bên cạnh đó, trong một cuộc khảo sát của S&P Global, sản lượng đường tại khu vực này dự kiến đạt 979.000 tấn trong nửa đầu tháng 11, giảm 55,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, thị trường vẫn chờ đợi số liệu chính thức từ Hiệp hội Công nghiệp Mía đường Brazil (UNICA).

Nhóm kim loại diễn biến trầm lắng

Theo MXV, thị trường kim loại diễn biến tương đối trầm lắng với thanh khoản mỏng khi Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn. Do thị trường đóng cửa sớm trong ngày nghỉ lễ, giá sẽ được tính đến 2h30 sáng nay theo giờ Việt Nam. Đối với kim loại quý, giá bạc tăng khoảng 0,41% lên 30,7 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng 0,58% lên 937 USD/ounce.

Giá kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh rủi ro xung đột địa chính trị leo thang. Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah đã làm xoa dịu bớt xung đột tại khu vực Trung Đông, tuy nhiên căng thẳng giữa Nga – Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Kim loại quý vốn được coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn mỗi khi nền kinh tế có biến động, do vậy nhà đầu tư tiếp tục chuyển dòng tiền vào kênh đầu tư này nhằm đảm bảo lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh đồng USD suy yếu giúp chi phí đầu tư trở nên rẻ hơn. Hiện chỉ số Dollar Index đã giảm từ mức đỉnh hai năm do nhu cầu mua đồng bạc xanh theo làn sóng “Trump trade” đang dần hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố về việc áp thuế đối với một số quốc gia cũng làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường, qua đó thúc đẩy giá kim loại quý. Cụ thể, ông Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico vào Mỹ. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố rằng sẽ áp mức thuế bổ sung 10%, cao hơn bất kỳ mức thuế bổ sung nào, đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm khoảng 0,14% xuống 9.102 USD/tấn sau khi trải qua một phiên biến động tương đối giằng co.

Một mặt, giá đồng đang được hỗ trợ khi thị trường đang xuất hiện một vài tín hiệu làm gia tăng rủi ro nguồn cung. Mới đây tại Peru, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ ba thế giới, hàng ngàn thợ mỏ đổ xô đi chặn các tuyến đường cao tốc, làm gián đoạn hoạt động khai thác và vận chuyển đồng tại đây. Trước đó, Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) đã cảnh báo rằng thị trường đồng tinh chế toàn cầu thâm hụt 131.000 tấn trong tháng 9, đánh dấu lần đầu tiên sau 7 tháng thị trường đồng toàn cầu đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Mặt khác, triển vọng tiêu thụ yếu kém do lĩnh vực bất động sản khủng hoảng kéo dài tại Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên giá. Hơn nữa, các số liệu kinh tế gần nhất cho thấy nền kinh tế vẫn trì trệ, bất chấp các gói kích thích quy mô lớn gần đây của Chính phủ. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, triển vọng giá đồng cũng trở nên kém lạc quan.

Theo Thời báo tài chính.