Về trang chủ Kinh doanh TP.HCM thêm nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội

TP.HCM thêm nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND TP dự thảo nghị quyết về cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM, với nhiều ưu đãi vượt trội.

Đề xuất lập trang website công khai các dự án nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, TP đặt chỉ tiêu đến năm 2030 xây dựng khoảng 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 26.200 – 33.000 căn, giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 43.500 – 58.000 căn.

Dù vậy, đến nay, TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Chính vì vậy, lũy kế từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 6.2024, TP mới hoàn thành 6 dự án, trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 2.745 căn hộ. Hiện có 27 dự án cần tập trung thực hiện thủ tục pháp lý tại các sở, ngành, cấp quận huyện, đặc biệt là ở khâu pháp lý hóa quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư.

TP.HCM thêm nhiều ưu đãi vượt trội cho nhà ở xã hội. ẢNH: ĐÌNH SƠN

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Xây dựng đã đề xuất TP ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi vượt trội cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê như: chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.

Được miễn các loại phí, lệ phí liên quan, trong đó bao gồm phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí cấp giấy phép xây dựng.

Hiện nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cũng kiến nghị lập trang website công khai các dự án nhà ở xã hội, định hướng bố trí các dự án nhà ở xã hội đang được cập nhật và lồng ghép vào đồ án quy hoạch phân khu. Việc xác định rõ vị trí và chỉ tiêu cụ thể giúp loại bỏ các quy trình phức tạp như điều chỉnh quy hoạch cục bộ hay hệ số sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp với dự án. Trang web này cũng sẽ công khai các dự án nhà ở xã hội, giúp người dân dễ dàng tra cứu và lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc minh bạch thông tin và kết nối giữa các dự án với người dân.

Làm nhà ở xã hội từ đất nông nghiệp

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, thời gian qua TP gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ở hầu hết các khâu như: quy hoạch xây dựng, xác định nghĩa vụ tài chính, các thủ tục về đất đai, thủ tục đầu tư, xác định giá bán nhà ở xã hội…

Chính vì vậy, TP đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh công tác phát triển nhà ở xã hội như cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí dành cho nhà ở, ưu tiên phát triển các khu vực mới hoặc tái sử dụng các vị trí cũ, đảm bảo pháp lý trong quá trình xây dựng. TP cũng hoàn thiện thủ tục giao đất và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, TP cũng phê duyệt khoảng 3.700 tỉ đồng từ ngân sách để đầu tư vào nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025, tích cực kêu gọi đầu tư từ trong và ngoài nước. Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xây dựng nhằm giảm giá thành cho nhà ở xã hội. TP cũng đang phối hợp với Liên đoàn Lao động TP để đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các mô hình nhà ở cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân và người lao động.

Thời gian tới, Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh các sở, ngành trong thực hiện quy chế phối hợp và quy định về chức năng nhiệm vụ trong thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục đầu tư dự án.

Đến nay, TP.HCM vẫn có nhiều dự án nhà ở xã hội khởi công xong trùm mền vì vướng pháp lý. ẢNH: ĐÌNH SƠN

Bà Phạm Thị Thu Hà, đại diện từ Bộ Xây dựng, cho biết hiện luật hiện nay có nhiều điểm mới trong chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội và cho cả người thụ hưởng khi bãi bỏ điều kiện cư trú. Với trường hợp thuê, chỉ yêu cầu đúng đối tượng mà không cần đáp ứng điều kiện về nhà ở, thu nhập. Ngoài ra, điều kiện về thu nhập cũng có thay đổi theo hướng nới lỏng hơn khi cá nhân độc thân có lương dưới 15 triệu đồng/tháng, vợ chồng có tổng thu nhập không vượt quá 30 triệu đồng/tháng, với lực lượng vũ trang nhân dân, mức thu nhập được tính theo hàm đại tá.

Trong khi đó, chủ đầu tư sẽ được vay vốn ưu đãi lãi suất từ ngân hàng, được miễn tiền sử dụng đất, không cần thực hiện thủ tục xác định giá đất. Chủ đầu tư còn được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% trên diện tích xây dựng nhà ở xã hội và ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất hoặc sàn xây dựng để phát triển công trình thương mại. Bên cạnh đó được tăng hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, dân số… thêm 1,5 lần so với dự án nhà ở thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp khi làm nhà ở xã hội còn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế…

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm