Bộ Tài chính vừa có báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 trình Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024.
Dự toán thu ngân sách hơn 1,9 triệu tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước năm 2025 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, kinh tế được dự báo duy trì xu hướng tích cực các tháng cuối năm 2024. Nhiều tổ chức quốc tế lớn có nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn còn thách thức từ nội tại nền kinh tế, các vấn đề về năng lực, hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; các vấn đề an ninh phi truyền thống,…
Dự toán thu ngân sách dựa trên tình hình phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: TL minh họa. |
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 (dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,0%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2024), Bộ Tài chính đã có dự toán NSNN năm 2025 trình Quốc hội.
“Dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực”
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh), nhìn chung dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực trong bối dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao. Thu từ ba khu vực sản xuất kinh doanh đều tăng so với ước thực hiện năm 2024… Dù vậy, cũng phải lưu ý nền kinh tế còn những rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua chậm, ảnh hưởng đến thực hiện dự toán các nguồn thu này. |
Theo đó, Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,8%GDP.
Cụ thể, Bộ Tài chính dự toán thu nội địa khoảng 1.668,3 nghìn tỷ đồng, tăng 95,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 85% tổng thu cân đối NSNN.
Dự toán thu dầu thô là 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024, giảm 6,1 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 2,7% tổng thu cân đối NSNN; trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 75-80 USD/thùng.
Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 là khoảng 235 nghìn tỷ đồng, tăng 31 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024 và tương đương ước thực hiện năm 2024, chiếm 12,1% tổng thu cân đối NSNN. Trong đó: dự toán thu là 411 nghìn tỷ đồng và dự toán chi hoàn thuế GTGT là 176 nghìn tỷ đồng.
Đối với thu viện trợ, dự toán là khoảng 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2 nghìn tỷ đồng so ước thực hiện 2024.
Bộ Tài chính cho rằng, mức dự toán nêu trên là mức tích cực, cao hơn năm trước, trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội trong và ngoài nước còn đan xen rủi ro, thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành phải quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ thu NSNN ngay từ những tháng đầu năm.
Dự toán bội chi năm 2025 khoảng 3,8%GDP
Về chi NSNN, Bộ Tài chính xác định chi NSNN theo nguyên tắc, bố trí chi đầu tư phát triển ở mức tích cực, đảm bảo tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN và phù hợp với khả năng cân đối NSNN.
Đồng thời, bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bố trí đủ chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội khác tính theo mức đã điều chỉnh từ ngày 1/7/2024.
|
Đối với chi thường xuyên, Bộ Tài chính quán triệt nguyên tắc triệt để tiết kiệm, ưu tiên các chế độ, chính sách đã ban hành, các nhiệm vụ thực sự quan trọng, cấp thiết.
Theo đó, dự toán tổng chi NSNN năm 2025 khoảng 2.548,9 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm số sử dụng từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư đến hết năm 2024 chuyển sang để bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương).
Dự kiến bố trí dự toán các nhiệm vụ chi như sau: Dự toán chi đầu tư phát triển: 790,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 31,0% tổng chi NSNN.
Dự toán chi trả nợ lãi là khoảng 110,5 nghìn tỷ đồng; trong đó chi trả nợ lãi ngân sách trung ương là 107,4 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi ngân sách địa phương là 3,1 nghìn tỷ đồng, đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ lãi theo quy định.
Về dự toán chi thường xuyên, Bộ Tài chính dự kiến khoảng 1.554,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 60,9% tổng chi NSNN. Trong đó: dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương là 726 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương (bao gồm số bổ sung từ ngân sách trung ương đảm bảo tiền lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng) là 828,6 nghìn tỷ đồng, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế – xã hội theo phân cấp.
Dự toán bội chi NSNN năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,8%GDP), trong đó: Bội chi ngân sách trung ương là 443,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,6%GDP), bội chi ngân sách địa phương là 28,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 0,2%GDP). Đến cuối năm 2025, các chỉ tiêu về nợ công trong phạm vi được duyệt.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh), nhìn chung dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực trong bối dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao, thu từ ba khu vực sản xuất kinh doanh đều tăng so với ước thực hiện năm 2024… Dù vậy, cũng phải lưu ý nền kinh tế còn những rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua chậm, ảnh hưởng đến thực hiện dự toán các nguồn thu này.
Về phía Bộ Tài chính, để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính quán triệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Đồng thời, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính- đây vẫn là vấn đề được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách quán triệt, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Cùng với đó, tiếp tục đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia tạo bứt phá phát triển kinh tế – xã hội./.
Trình Quốc hội và lấy ý kiến công khai trước khi “chốt” dự toán ngân sách 2025
Hằng năm, tại kỳ họp vào tháng 10, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội báo cáo công khai dự toán NSNN của năm sau và 3 năm liền kề sau đó, nhằm lấy ý kiến Quốc hội trước khi quyết định. Năm nay, thực hiện quy định của Luật NSNN, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Bộ Tài chính biên soạn và phát hành “Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2025 Chính phủ trình Quốc hội” nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác tới người dân những thông tin chủ yếu liên quan đến đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2024 và dự kiến dự toán thu chi NSNN năm 2025 trình Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định. Bộ Tài chính mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để công tác xây dựng dự toán NSNN ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất. |