Thời gian gần đây, blindbox, blind bag (túi mù, hộp mù) đang trở thành trào lưu được nhiều người yêu thích. Một số người có thể dành hàng giờ để ngồi xem xé túi mù hoặc bỏ ra một số tiền lớn để thỏa mãn đam mê này.
Kích thích tính tò mò
Khoảng hơn 1 năm gần đây, trào lưu khui blindbox, blind bag (hộp mù, túi mù) bắt đầu nở rộ, ban đầu những chiếc hộp mù được thực hiện theo những bộ sưu tập và có chủ đề nhất định gắn liền với những bộ phim hoạt hình, truyền hình nổi tiếng… Nó không chỉ giúp người chơi giải trí mà còn hiểu sâu hơn về thế giới nghệ thuật của tác giả tạo ra mô hình cũng như gợi lại ký ức tuổi thơ cho nhiều người.
Thông thường, trong mỗi bộ sưu tập sẽ có một túi secret (phiên bản giới hạn), điều này càng kích thích trí tò mò và tính sở hữu của con người để họ tiếp tục săn lùng những mẫu còn thiếu. Tuy nhiên, giá trị mỗi túi mù hay một bộ sưu tập theo chủ đề của các thương hiệu lớn lại có giá trị khá cao khiến nhiều người e dè.
Thế nên, trong thời gian gần đây những túi mù phiên bản nhỏ và có giá trị thấp hơn được nhiều người ưa chuộng. Trong những túi mù này có thể là vật phẩm làm bằng nhựa gồm hình con vật, hoa quả hoặc những viên bi đủ màu sắc có thể dùng xâu chuỗi làm vòng tay hay móc khóa điện thoại.
Trào lưu này cũng có những quy tắc riêng khiến người xem hứng thú. Ví dụ, người chơi sẽ “đặt hàng” 12 túi, sau đó, chủ kênh livestream bắt đầu xé túi. Nếu như trong mỗi túi có một vật phẩm nổi bật, khác biệt với những món còn lại thì người chơi được cộng thêm một túi mù. Một số quy tắc khác là ghép cặp và mong ước. Nếu chủ kênh livestream mở được hai túi có mô hình giống nhau thì người chơi được cộng thêm một túi, hoặc nếu vật phẩm mở ra đúng với nguyện vọng của người chơi thì cũng được tặng thêm một túi. Ngoài ra, người kinh doanh túi mù còn có thể tự đặt ra một số luật chơi khác theo ý mình.
Theo thạc sĩ tâm lý Tô Hoan, những nhà kinh doanh nắm bắt được tâm lý hiếu kỳ và thích nhận phần thưởng của con người để tạo ra trào lưu này. “Tò mò chính là bản năng tự nhiên của con người để khám phá và học hỏi, vì thế chúng ta thường rất nhạy với những kích thích theo kiểu ‘Cái gì đấy?’. Khi gặp điều gì đó chưa biết rõ, não bộ của chúng ta cảm thấy thiếu thông tin và thúc đẩy mong muốn tìm hiểu thêm. Túi mù hay hộp mù tạo ra một ‘khoảng trống tò mò’ để kích thích nhu cầu khám phá và lấp đầy sự thiếu hụt thông tin đó. Kết quả là người ta sẽ mua túi mù, hộp mù để khám phá xem bên trong có gì. Khi khám phá được điều mình muốn biết thì hệ thống phần thưởng trong não cũng được kích hoạt, giải phóng dopamine và mang lại cảm giác thỏa mãn”, cô nói.
Bên cạnh đó, thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cũng cho biết việc chơi túi mù, hộp mù cũng là cách giúp con người thư giãn. Cô chia sẻ: “Đôi khi trong cuộc sống con người chịu nhiều áp lực khiến bản thân cảm thấy chán nản bởi những công việc lặp đi lặp đi. Vì thế, con người cần tìm để những trò chơi giải trí và túi mù thu hút mọi người vì nó có phần thưởng và yếu tố bất ngờ”. Ngoài ra, tâm lý bị bỏ lỡ một điều gì đang thịnh hành càng thôi thúc những người trẻ tham gia vào hoạt động này.
Mặt trái của trào lưu túi mù
Khơi gợi nỗi hiếu kỳ cộng với việc đánh vào tâm lý sợ bị bỏ lỡ khiến cho con người “phát cuồng” và từ đó giá trị của những túi mù, hộp mù tăng lên. Có những người chấp nhận chi số tiền lớn và dành vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để xem livestream xé túi mù. Theo chuyên gia tâm lý Tô Hoan, ở thời điểm hiện tại, trào lưu này vẫn mang đến giá trị tích cực nhưng xét về lâu dài thì hiện tượng này cũng có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực ở nhiều góc độ như tâm lý, tài chính, xã hội và môi trường.
Theo các chuyên gia tâm lý, người chơi xé túi mù cần ý thức được mức độ tác động của trò chơi này để không gây ảnh hưởng đến hoạt động đời thường. Ảnh: Chụp màn hình
Cụ thể, người chơi có thể rơi vào trạng thái mua sắm mất kiểm soát gây tốn kém và xuất hiện cảm giác hụt hẫng, thất vọng khi không khui được vật phẩm mong đợi. Ngoài ra, thạc sĩ Tô Hoan cũng bày tỏ sự lo ngại khi những trào lưu này phần nào gây hại cho môi trường.
“Về xã hội, tôi thấy những trào lưu tương tự sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng bền vững khi chúng ta có xu hướng mua những thứ mình muốn nhiều hơn là những thứ mình cần, chúng ta mua vì cảm xúc nhất thời hơn là vì nhu cầu thiết yếu. Điều này cũng dẫn đến việc gia tăng rác thải nhựa gây tổn hại đến môi trường do phần lớn các nguyên liệu làm túi mù, hộp mù mà tôi thấy đều từ nhựa. Đặc biệt nếu những sản phẩm đó không được sử dụng một cách có ích lâu dài thì sẽ gây lãng phí tài nguyên”, cô nói.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho biết: “Tôi thấy để trở thành ‘con nghiện’ túi mù, hộp mù cần thêm nhiều yếu tố mạnh hơn nữa còn nếu chỉ để sưu tập, trải nghiệm thì sẽ đến lúc thoái trào. Tuy nhiên, mình cũng cần có cảnh báo với cộng đồng rằng nếu cơ chế này cứ lặp đi lặp lại thì sẽ dẫn đến nguy cơ nghiện. Và nếu nghiện một thứ khiến mình mất tiền và mất thời gian thì sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và hoạt động đời thường”.
Hơn thế nữa, thạc sĩ Vũ Thu Hà còn nhấn mạnh điều quan trọng ở đây, người sử dụng cần ý thức được trò chơi này ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào. Nếu cảm thấy nó mang đến những hậu quả mất tiền, mất thời gian mà không mang lại giá trị gì thì nên có sự thay đổi, tìm đến các hình thức khác như chơi thể thao, tham gia hội hỗ trợ cộng đồng… Đây cũng là những hoạt động giúp con người giảm căng thẳng và tạo ra năng lượng tích cực.