Sự đổ bộ của các sàn thương mại điện tử Trung Quốc giúp người dùng Việt Nam mua hàng dễ dàng hơn, nhưng kéo theo nỗi lo về sự xâm lấn của các bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp.
Xuất hiện “Bản đồ đường lưỡi bò” từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc
Thời gian gần đây, các ứng dụng mua sắm do sàn thương mại điện tử Trung Quốc phát hành bắt đầu xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Nhờ dịch vụ xuyên biên giới, người dùng tại Việt Nam có thể mua sản phẩm trực tiếp từ nhà bán hàng Trung Quốc và chuyển thẳng đến địa chỉ của mình, giảm bớt các khâu trung gian cũng như chi phí phát sinh. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử như Taobao, Aliexpress, 1688, Temu đang bày bán hoặc thể hiện mập mờ nhiều sản phẩm có chứa bản đồ với hình ảnh “đường lưỡi bò” đã bị phát hiện.
“Đường lưỡi bò” (hay “đường chín đoạn”) là khu vực Trung Quốc tuyên bố phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và bị quốc tế bác bỏ.
Khi tìm kiếm từ khóa như “bản đồ Biển Đông”, “bản đồ thế giới” hay tìm kiếm hình ảnh liên quan, Thanh Niên ghi nhận hiện tượng các sản phẩm chứa thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo Việt Nam đang được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử này. Điều này phơi bày những vấn đề trong cơ chế kiểm duyệt của các nền tảng khi cho phép kinh doanh sản phẩm vi phạm luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức về chủ quyền quốc gia.
Trước tình hình này, một số sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã có động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn việc bán các sản phẩm liên quan đến bản đồ chứa đường lưỡi bò. Các nền tảng như Shopee, Lazada và Tiki đã áp dụng các biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt, kiên quyết loại bỏ và cấm đăng bán các sản phẩm vi phạm chủ quyền Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Có thể mua bản đồ có “đường lưỡi bò” vào Việt Nam?
Liên quan tới lo ngại nhập khẩu phi pháp của một bộ phận người dùng, thực tế dù có thể dễ dàng tìm thấy các loại bản đồ thế giới, bản đồ địa lý Trung Quốc ẩn chứa “đường lưỡi bò” trên sàn thương mại điện tử như 1688, Taobao, Aliexpress, người dùng gần như không thể mua các sản phẩm này về thị trường trong nước. Theo khảo sát của Thanh Niên, các sàn như Taobao, 1688 dù có kinh doanh bản đồ chứa “đường lưỡi bò”, dịch vụ hiện chưa cho phép bán sản phẩm này ra quốc tế.
Thử nghiệm thực tế cho thấy sau khi bỏ vào giỏ hàng, người mua không thể thực hiện thanh toán cho các bản đồ này. Hệ thống của 1688 cho biết quy định của họ chỉ bán bản đồ tại thị trường nội địa, không xuất đơn hàng thương mại điện tử ra khỏi biên giới. “Sản phẩm không hỗ trợ giao hàng tại khu vực của người mua”, thông báo từ Taobao thể hiện tại bước thanh toán.
Trên Aliexpress, người dùng vẫn có thể bấm thanh toán khi mua bản đồ Trung Quốc (có phần phụ chú thể hiện đường lưỡi bò), bản đồ thế giới. Quá trình thanh toán được thực hiện nhanh chóng như đối với các mặt hàng khác, dù địa chỉ người nhận tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo những người kinh doanh hàng trực tuyến xuyên biên giới lâu năm, kể cả trường hợp người mua có thể thanh toán thì cũng “không có cửa” để vượt qua khâu kiểm tra tại hải quan Việt Nam trước khi vào nội địa. Anh Trần Vũ, một người chuyên kinh doanh hàng thương mại điện tử cho biết mọi sản phẩm, bất kể giá trị, kích thước đều phải được thông quan, đặc biệt là những sản phẩm có tính nhạy cảm, hoặc hàng nghi cấm.
“Hàng hóa, kể cả là đồ xách tay cá nhân khi đến cửa khẩu đều phải qua máy soi chiếu của cơ quan hải quan. Nếu có nghi vấn sẽ yêu cầu mở hàng để kiểm tra kỹ từng vật phẩm một. Các mặt hàng thương mại điện tử xuyên biên giới tất nhiên sẽ còn làm chặt khâu kiểm duyệt hơn vậy”, anh Vũ nhấn mạnh.
Anh D.V.Q (Mỹ Đình, Hà Nội) – một người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cũng xác nhận hàng hóa dù “xuyên biên giới” cũng không có cơ hội để các loại bản đồ chứa “đường lưỡi bò” đến tay người tiêu dùng trong nước. Anh khẳng định khâu kiểm tra hải quan là “chốt chặn rất quan trọng” để đảm bảo những món hàng đặt mua từ nước ngoài không vi phạm các quy định của Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào nội địa.
Trong khi đó, một số đơn vị chuyên làm dịch vụ mua hộ hàng từ Trung Quốc đều có quy định không nhận mua bán một số mặt hàng nhất định liên quan đến chính trị, quân sự, bản đồ, vũ khí, các sản phẩm cấm theo quy định của nhà nước. Thậm chí, khi được hỏi nhập bản đồ về để kinh doanh, họ lập tức từ chối vì cho rằng mặt hàng này nhiều rủi ro bị cài cắm “đường lưỡi bò”.