Về trang chủ Xã hội Tin tức Giá điện tăng và nỗi lo thường trực của người dân, doanh nghiệp

Giá điện tăng và nỗi lo thường trực của người dân, doanh nghiệp

Giá điện được điều chỉnh tăng dù ít hay nhiều sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là các hộ có lượng tiêu thụ điện lớn, chủ nhà cho thuê trọ, và khổ nhất là những người đi thuê nhà…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 11/10/2024 đã có Quyết định số 1046/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10/2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Người thuê nhà “méo mặt”

Đại diện EVN cho biết, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ sinh hoạt từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/tháng. Đối với các hộ sử dụng điện bậc 4 (từ 201-300kWh) trả thêm 32.350 đồng/tháng; bậc 5 (từ 301-400kWh) tăng 47.050 đồng/tháng; bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả thêm khoảng 62.150 đồng/tháng.

 

Giá điện được điều chỉnh tăng dù ít hay nhiều đã tác động ngay tới đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là các hộ có lượng tiêu thụ điện lớn, chủ nhà cho thuê trọ và khổ nhất là những người đi thuê nhà. Chị Huyền đang thuê trọ tại phường Điện Biên, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, giá điện vẫn được chủ nhà tính 3.500 đồng/số (kWh). Sau khi điện lực có thông báo tăng giá điện, chủ nhà đã nhắc nhở tiền điện sẽ tăng lên 4.000 đồng/số.

“Mình đã hỏi nhiều nơi cho thuê nhà nhưng giá điện đều sàn sàn ở khoảng trên 3.500 đồng/số. Ngoài tiền thuê nhà, tiền nước, tiền gas, tiền vệ sinh thì tiền điện là nỗi lo đáng kể của gia đình. Nhà thuê thường chật hẹp, nên mùa nóng gia đình muốn tiết kiệm điện cũng rất khó đảm bảo sinh hoạt và việc học tập của các cháu nhỏ”, chị Huyền bày tỏ.

Nhiều chủ nhà cho thuê cho biết, do mức tăng giá lũy tiến và tiền điện tính theo 1 công tơ tổng đã khiến lượng điện tiêu thụ mỗi tháng rất lớn. Cực chẳng đã họ phải áp dụng tiền điện 1 giá cho các phòng trọ với mức cao để bù lại chi phí. Anh Hoàng Nghi ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trung bình mỗi phòng trọ tiêu thụ khoảng dưới 300 kWh, giá điện tăng đợt này nếu tính chi ly phải 4.000 đồng/kWh mới đủ bù giá điện lũy tiến.

“Tôi vẫn nhắc nhở các bạn thuê phòng triệt để tiết kiệm điện, không dùng điện đun nấu hay lắp điều hòa vì càng dùng nhiều tiền điện sẽ phải tăng cao. Sau khi thông báo giá điện sẽ tăng 4.000 đồng/kWh từ tháng này, nhiều người thuê đã có phản ứng muốn chuyển đi, nhưng tôi cũng không biết làm sao khác”, anh Nghi trăn trở.

Gia tăng chi phí gây khó khăn cho DN

Cùng với điều chỉnh giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh. Với cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá từ 1.749 – 3.242 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Cấp điện áp 6 kV – dưới 22 kV, giá bán từ 1.812 – 3.348 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là từ 2.040 – 2.124 đồng/kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 1.525 đồng và 4.795 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).

Phản ứng với quyết định tăng giá điện lần này, ông Dương Như Đức, Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình cho rằng, giá điện tăng sẽ tác động lớn tới DN, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất và khi tăng chi phí sẽ gây khó khăn cho DN. “Để tính được mức giá điện tăng tác động như nào tới sản xuất, cũng phải hết kỳ tính giá điện DN mới có thể tính toán được chính xác mức tăng. Để tiết kiệm năng lượng, DN đang thực hiện quản lý chi phí tiêu hao năng lượng, cùng với đó là các giải pháp tiết kiệm điện năng”, ông Đức cho biết.

Theo ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO), do DN sử dụng năng lượng điện nhiều và chi phí điện năng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nên đợt tăng giá điện lần này sẽ tác động lớn đến bài toán chi phí của DN. Đặc biệt trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam với các DN Trung Quốc về giá thành và chi phí còn yếu, tăng giá điện là thách thức đối với DN coi xuất khẩu là ưu tiên trong chiến lược phát triển dài hạn.

“Để thích ứng trong lúc này buộc DN phải tự cắt giảm chi tiêu và chi phí. Về dài hạn, DN tiếp tục đưa các biện pháp tiết kiệm năng lượng như chuyển đổi số để tối ưu hoạt động sản xuất, quản lý điện năng. Cắt giảm, sắp xếp thời gian sản xuất tránh khung giờ cao điểm đối với các thiết bị máy công suất lớn, cùng việc khuyến khích tiết kiệm điện”, ông Mạnh cho hay.

Nhận định việc tăng giá điện sẽ có tác động tới các DN, nhưng sẽ không lớn và cũng không phải vấn đề cộng đồng DN quá lo ngại. Song ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cương quyết, cùng với việc tăng giá điện, đòi hỏi ngành điện cũng phải đảm bảo tốt về chất lượng và sự ổn định của nguồn điện hơn nữa.

“Điều kiện rất quan trọng của các DN luôn phải cung ứng đúng tiến độ cam kết theo hợp đồng với đối tác. Nên việc có nguồn điện sản xuất ổn định tại các nhà máy, cơ sở sản xuất là yếu tố rất cần thiết. Có như vậy các DN trong Hiệp hội mới yên tâm để nỗ lực hơn trong hoạt động duy trì sản xuất kinh doanh”, ông Vân đề nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, tăng giá điện ở mức 4,8% chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới DN, nhưng không gây tác động quá lớn. Giá điện đang chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu giá thành phẩm. “Khi giá điện tăng, chi phí tác động cũng chỉ chưa đến khoảng 5% và điều này là có thể chấp nhận. Nhưng không thể chủ quan, bản thân các DN cũng phải thay đổi quy trình sản xuất, nỗ lực hơn để nâng cao công nghệ sản xuất, từ đó mới có thể tiết kiệm điện năng”, ông Kết cho biết.

Theo VOV.

Có thể bạn quan tâm