Trong bối cảnh giá cả leo thang, người thuê trọ ở TP.HCM không chỉ đau đầu với tiền thuê phòng mà còn phải đối mặt với hàng loạt chi phí phát sinh từ điện, nước, dịch vụ. Chưa kể, những khu trọ không có lối thoát hiểm cũng trở thành mối đe dọa tiềm ẩn.
Thông qua nhiều khảo sát trực tiếp và báo giá từ môi giới trên các nền tảng trực tuyến, chúng tôi ghi nhận tình trạng nhiều khu trọ thu phí điện, nước, dịch vụ cao ngất ngưởng. Ngoài ra, những khoản phát sinh khó hiểu như tiền vệ sinh cầu thang, tiền sử dụng thang máy, tiền bảo trì cơ sở vật chất cũng khiến người thuê phát hoảng. Khó khăn chồng chất khó khăn, dù đã phải bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ, họ vẫn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập khi sống trong những căn phòng trọ kín như bưng.
Ngã ngửa với giá điện, nước, dịch vụ
Nhìn chung, hiện nay giá điện tại nhiều khu trọ ở TP.HCM có thể dao động từ 4.000 – 4.500 đồng/kWh, nước thì từ 20.000 – 40.000 đồng/m3 (hoặc tính trên đầu người là 100.000 – 150.000 đồng/người/tháng).
Không dừng lại ở đó, phí dịch vụ cũng là gánh nặng không thể tránh. Các chủ khu trọ thường thu từ 100.000 – 200.000 đồng/phòng với lý do phí vệ sinh. Thêm vào đó là phí giữ xe, phí bảo dưỡng cơ sở vật chất, tiền wifi, tiền rác, phí phụ thu nếu có bạn hay người thân đến ở chơi nhiều ngày… Những khoản nhỏ lẻ này là nguyên nhân khiến khoản tiền thuê trọ mỗi tháng càng nặng nề hơn.
Chị Thùy Linh (22 tuổi, ở Q.10) là sinh viên năm cuối, chia sẻ trước đây chị từng thuê một căn phòng trọ ở đường Thành Thái (Q.10) với giá 3,2 triệu đồng/tháng, có thể ở được 2 người. Phòng trọ có đủ các nội thất cơ bản như máy lạnh, tủ đựng quần áo và gác lửng. Ban đầu, chị Linh tưởng mình đã thuê được một căn trọ giá hời. Nhưng không…
“Thực tế, mỗi tháng, ngoài tiền phòng, chúng tôi còn phải đóng thêm rất nhiều khoản khác. Điện có giá 4.000 đồng/kWh, nước 25.000 đồng/m3, phí dịch vụ 120.000 đồng/tháng, wifi 50.000 đồng/người, rác 30.000 đồng/phòng, phí sử dụng thang máy 50.000 đồng/tháng. Nếu có đi xe máy thì đóng thêm 150.000 đồng/chiếc/tháng. Như vậy tổng chi phí hằng tháng đội lên rất nhiều”, chị Linh cho biết.
So với mặt bằng chung, chị Linh nhận xét giá điện, nước và dịch vụ ở nơi trọ cũ khá đắt nhưng do lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm nên mới thuê. Chị nhớ lại có tháng phòng của chị thường xuyên bị cúp điện do chập mạch và mưa to, nhưng cuối tháng tổng tiền lại gần cả triệu đồng, gấp đôi so với bình thường. Khi báo lên chủ trọ, chủ lại gửi hình ảnh đồng hồ điện rõ ràng nên chị cũng bấm bụng chịu.
Vì số tiền phải chi cho chỗ ở mỗi tháng quá nhiều nên chị Linh đành sống “thắt lưng buộc bụng”. Chị cho tôi xem cuốn sổ chi tiêu hằng tháng, bằng số tiền gia đình chu cấp và tiền đi làm thêm, tháng nào chị cũng phải để dành ra ít nhất 2,5 triệu đồng để trả tiền trọ. Số tiền còn dư lại mới bắt đầu tính chuyện ăn uống, đi lại, mua sắm…
Tương tự, bản thân người viết cũng là dân nhập cư, vào TP.HCM sinh sống, làm việc. Do tính chất công việc buộc phải đi lại nhiều và cần không gian riêng, tôi chấp nhận trả gần 3 triệu mỗi tháng để thuê một căn phòng nhỏ ở Q.Bình Thạnh.
Khi khoản chi cho chỗ ở chiếm đến 30% tổng thu nhập, tôi buộc phải có kế hoạch chi tiêu cụ thể mỗi tháng, cắt giảm phân nửa các khoản vui chơi, giải trí… Những người ở chung trọ với tôi đều là nhân viên văn phòng, sáng đi tối về nên phòng trọ chỉ là nơi để “ngả lưng”. Để tiết kiệm, hầu hết đều ăn cơm nhà và nấu mang đi làm, có người còn di chuyển bằng xe đạp để tiết kiệm xăng.
Ẩn chứa nhiều mối nguy
Không chỉ tiền bạc, sự an toàn khi ở trọ cũng là vấn đề khiến nhiều người thấp thỏm. Nhiều khu trọ hiện nay, để tối ưu diện tích và lợi nhuận nên xây dựng theo kiểu “chuồng cọp”, không lối thoát hiểm, cầu thang kín bưng. Với những khu nhà kiểu này, một khi xảy ra hỏa hoạn, người thuê thật khó để thoát thân.